Thầy giáo Nguyễn Chí Tâm: “Học sinh là động lực cho mọi giải pháp của tôi”
Lớp có nhiều bạn không theo khối C (Văn, Sử, Ðịa), nhưng tất cả luôn hào hứng với những tiết học Sử do thầy Tâm dạy. Thầy có phương pháp giảng dạy phù hợp, cách truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ, giúp chúng em tự nhận thấy môn học này thật gần gũi với biết bao lượng kiến thức cần thiết.
Đó là những lời chia sẻ của học trò dành cho thầy giáo Nguyễn Chí Tâm, giáo viên dạy Sử Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước). Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 vừa qua, Nguyễn Diêu là một trong những trường có nhiều học sinh chọn Sử là môn thi tự chọn, trong đó nhiều em đạt điểm 8.
Hưởng lợi nhiều từ Sử
Thầy giáo Nguyễn Chí Tâm sinh năm 1982, quê xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước). Với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi (khoa Lịch sử, Trường ĐH Quy Nhơn), thầy về Trường THPT Nguyễn Diêu nhận công tác; đồng thời theo học lớp sau đại học được tuyển thẳng vì thành tích đỗ thủ khoa toàn khóa.
* Được biết, anh học tốt các môn tự nhiên nhưng lại đăng ký thi vào khoa Sử. Ra trường đi dạy, 10 năm qua thấm thía cảnh hẩm hiu của “môn phụ”, anh có thấy hối hận?
- (cười) Nói không có lẽ chẳng ai tin nhưng thật sự tôi thấy mình hưởng lợi rất nhiều khi gắn bó với Sử. Nhớ lại khoảng thời gian ở giảng đường, tôi đã say sưa với Sử biết bao và rất thích những lần đi thực tế, thực tập. Thú thật là tôi không tình nguyện đến với Sử, nhưng sau đó lại bị Sử mê hoặc, nhất là lịch sử Việt Nam với bao điều đáng tự hào. Ra trường đi dạy, đối mặt với thực tế học
sinh không nhiệt tình với Sử, một giáo viên trẻ tuổi như tôi lúc đầu có chút hụt hẫng, nhưng sau thời gian tìm hiểu kỹ các nguyên nhân dẫn đến việc này, tôi thấy thương học sinh hơn.
Người ta thường nói người chọn nghề nhưng cũng có lúc nghề chọn người. Tôi vẫn nghĩ việc mình trở thành giáo viên dạy Sử là cái duyên, và tôi đang hài lòng với điều đó.
* Anh cho rằng mình được hưởng lợi nhiều từ Sử?
- Có một điều nghe có vẻ ngược ngạo, nhưng chị tin không, chính sự hẩm hiu của môn Sử nhiều năm qua lại là động lực để tôi cố gắng không mệt mỏi với mong muốn đưa Sử về đúng với vị trí của nó trong trường phổ thông. Tôi đã cố gắng tìm tòi, nghiên cứu ra những phương pháp dạy-học thiết thực, hiệu quả với những học trò phần lớn không chọn theo khối C. Nhìn lại, tôi tự thấy mình đã trưởng thành hơn với nghề rất nhiều, và những nỗ lực ấy đã giúp tôi cùng môn Sử đến gần với học trò của mình hơn.
Từ năm học 2010-2011, ngoài công tác giảng dạy, tôi còn được lãnh đạo nhà trường phân công làm Bí thư Đoàn trường và phụ trách công tác quản lý nề nếp học sinh. Kiến thức Sử đã hỗ trợ cho tôi hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó. Chẳng hạn, những hoạt động ngoại khóa kiến thức như “Rung chuông vàng”, “Khi tôi 18”, giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc… đều có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa kiến thức chuyên môn và hoạt động phong trào, nhất là về tình yêu biển đảo quê hương.
Qua tìm hiểu, tôi còn được biết, “bà xã” thầy Tâm cũng là một thạc sĩ Sử - đó là cô Đoàn Thị Thúy Kiều, giáo viên dạy Sử của Trường THPT số 3 An Nhơn. Cuộc sống của họ có nhiều điểm chung, nhiều điều chia sẻ từ chính tình yêu lớn với Sử học.
Học sinh là động lực của mọi giải pháp
Trong thế hệ giáo viên dạy Sử trẻ tuổi, thầy giáo Nguyễn Chí Tâm là một trong những gương mặt nổi bật với nhiều giải pháp, sáng kiến giúp học sinh hứng thú với việc học Sử. Suốt 5 năm học qua, thầy đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học ngành GD&ĐT xếp loại B, có sáng kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo. Các sáng kiến của thầy đã được áp dụng hiệu quả trong dạy học ở trường phổ thông, góp phần tạo chuyển biến chất lượng dạy và học Sử.
* Các đề tài nghiên cứu của anh tập trung khai thác những vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học hơn là về kiến thức bộ môn?
- Từ thực tiễn giảng dạy, tôi thấy việc dạy và học môn Sử trong trường phổ thông đang có nhiều bất cập, khối lượng kiến thức nhiều mà số tiết học lại ít. Học sinh không thích học Sử, thậm chí sợ học Sử vì có quá nhiều sự kiện, niên đại, nhân vật phải ghi nhớ một cách chính xác. Vậy nên, tôi thiên về việc tìm tòi các phương pháp để chuyển tải đầy đủ lượng kiến thức cần thiết nhưng học sinh không có cảm giác bị quá tải, nhàm chán.
* Dù đã được các cấp ngành công nhận, nhưng cá nhân anh có hài lòng với hiệu quả các sáng kiến kinh nghiệm của mình mang lại?
- Có chứ, vì những sáng kiến của tôi xuất phát từ khó khăn trong dạy-học nên khi có giải pháp thì ngay lập tức sẽ tạo chuyển biến. Chẳng hạn, đề tài Biên tập và sử dụng tranh ảnh lịch sử trong dạy học Chương III “Việt Nam từ năm 1945 đến 1954” lớp 12 - Chương trình chuẩn đã góp phần quan trọng trong việc tạo biểu tượng lịch sử, cụ thể hóa các sự kiện lịch sử và khắc phục tình trạng nhầm lẫn, hiện đại hóa lịch sử. Đây là chỗ dựa để hiểu biết sâu sắc bản chất của sự kiện lịch sử, là phương tiện để hình thành các khái niệm lịch sử, giúp học sinh nắm vững các quy luật của sự phát triển xã hội.
Hay đề tài Sử dụng phần mềm iMindMap kết hợp với phần mềm Powerpoint để xây dựng Sơ đồ tư duy trong dạy học bài tổng kết và hoạt động củng cố bài học, chương trình Lịch sử Việt Nam lớp 12 - Ban cơ bản, giúp giáo viên truyền tải đến học sinh một khối lượng lớn kiến thức trong một thời gian có hạn, đồng thời góp phần rèn luyện kỹ năng thực hành trong học tập bộ môn của học sinh. Với học sinh, sơ đồ tư duy giúp các em dễ hình dung, dễ hiểu bài và hứng thú hơn trong giờ học.
Đừng trách học sinh
Tỉ lệ học sinh chọn môn Sử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 thấp nhất trong số 8 môn. Theo GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, dư luận đừng cho rằng, học sinh không chọn môn Sử để thi tốt nghiệp THPT là họ ghét sử và không có ý thức với dân tộc. Thầy Nguyễn Chí Tâm cũng có cùng quan điểm ấy.
* Nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Diêu đã nói với tôi, mỗi tiết học Sử cùng anh là một tiết vui…
- Tôi để ý thấy nhiều thầy cô mới ra trường cứ sợ cháy giáo án nên ngay khi bước vào lớp đã tỏ ra căng thẳng, rồi cứ thao thao bất tuyệt, làm vậy học sinh sẽ dễ… buồn ngủ. Cứ thoải mái, trong quá trình giảng bài, giáo viên cần pha chút hài hước, kể một vài câu chuyện lịch sử nhẹ nhàng phù hợp với nội dung bài học; thỉnh thoảng cho các em nghe một đoạn băng, một bài hát về Sử để thay đổi không khí lớp học.
* Học sinh không thích học Sử, nhưng anh lại không trách các em?
- Cứ trách học sinh quay lưng lại với Sử, theo tôi, là chưa thật chính xác. Bởi, chương trình Lịch sử lớp 12 quá nhiều kiến thức, việc học tập của học sinh nặng về thi cử. Thêm vào đó, theo chương trình đổi mới, lượng kiến thức Lịch sử lớp 12 cập nhật, bổ sung thêm một số sự kiện mới, nhưng số tiết học trong tuần lại giảm, nên ngay cả giáo viên cũng bị áp lực về thời gian khi đứng lớp. Xu hướng học sinh thiên về các môn khối A, khối B cũng làm Sử thêm hẩm hiu nhưng đó là xu thế xã hội bởi học sinh khối C ra trường khó kiếm việc làm, hoặc thu nhập không cao bằng các ngành nghề khác.
Gương mặt điển trai với vầng trán cao rộng, thầy giáo quê Phước Lộc tạo cảm tình với người đối diện bởi cách cư xử chân thành, mộc mạc, kiến thức chuyên môn vững vàng và sự tâm huyết với nghề. Tỉ lệ học sinh có điểm môn Sử trên trung bình trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm học 2012-2013 đến 2013-2014 luôn cao hơn mặt bằng chung của tỉnh; và trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, nhiều học trò của thầy Tâm đã đạt điểm 8 môn Sử.
- Chị hỏi học sinh của tôi có quan tâm nhiều kiến thức Sử không ư? Có đấy. Năm nào trường tôi cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sử, có năm có hẳn học sinh giỏi môn Sử cấp Quốc gia. Về phần tôi, có chút thời gian rảnh rỗi là tôi tìm đọc, nghiên cứu tài liệu về Sử, học hỏi đồng nghiệp về phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả. Tôi làm như vậy là muốn giữ cho mình không bị lạc hậu, và cho những bài giảng có tư liệu thực tế. Bởi, tôi không nguôi hy vọng đến một ngày, môn Sử sẽ được trả về đúng với vị trí cần phải có của nó, trong các trường học, thầy Tâm trải lòng.
Năm học 2010-2011, thầy giáo Nguyễn Chí Tâm đạt giải Ba Hội thi Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh và đạt giải B sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh với đề tài “Xây dựng và sử dụng Bản đồ giáo khoa điện tử trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 12 - Chương trình chuẩn”. Năm học 2012-2013, đạt giải B sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh với đề tài “Biên tập và sử dụng tranh ảnh lịch sử biên tập trong dạy học Chương III “Việt Nam từ năm 1945 đến 1954” lớp 12 - Chương trình chuẩn”. Năm học 2013-2014, đạt giải C sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh với đề tài “Xây dựng và sử dụng bài tập bản đồ nhằm củng cố, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trong dạy học Lịch sử Việt Nam, lớp 12 – Chương trình chuẩn”. Năm học 2012-2013 và 2013-2014 được Sở GD&ÐT tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Năm 2013 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Lao động sáng tạo năm 2012, được tặng thưởng giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ VIII (2012-2013). Năm 2015 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong Tháng công nhân năm 2015 và được Tổng LÐLÐ Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo.
NGỌC TÚ