Trao quyền nhiều hơn cho nhân dân
Đây là ý kiến của ông Trần Văn Nhẫn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội, tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức vào ngày 11.3.
Công dân có quyền biểu quyết về những vấn đề hệ trọng
Về Điều 6 “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” trong Dự thảo, tôi cho rằng người dân cần phải được trao quyền lực nhiều hơn nữa. Tôi đề nghị bổ sung vào Điều 6 của Dự thảo: “Đối với những vấn đề hệ trọng, liên quan đến vận mệnh quốc gia cần phải được trưng cầu ý dân”. Và tại Điều 30, cần bổ sung là: “Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp và các việc hệ trọng của đất nước”.
Về quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất (khoản 3, Điều 58), Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, còn đối với đất bị thu hồi bởi các dự án liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, tôi đề nghị cần phải được trưng mua. Thực tế hiện nay cho thấy dân khiếu kiện về việc giải tỏa, đền bù tái định cư diễn biến khá phức tạp; có nơi, có lúc đã xảy ra tình trạng lạm dụng, gây thiệt hại cho người dân có đất bị thu hồi.
Điều 116 (sửa đổi, bổ sung các điều 119, 120, 123 và 124 của Hiến pháp 1992) của Dự thảo đề cao vai trò của chính quyền trung ương, làm nhẹ đi vai trò của chính quyền địa phương. Tôi đề nghị cần thiết phải bổ sung thiết chế chương Chính quyền địa phương (chương IX), coi trọng việc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương từ tỉnh xuống đến huyện, xã và tùy thuộc vào đặc điểm tình hình ở các vùng, miền. Ngoài chức năng của HĐND, UBND đã được ghi tại Điều 116 của Dự thảo, tôi đề nghị cần bổ sung vào Dự thảo nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND.
Hội đồng Hiến pháp có quyền đình chỉ, bãi bỏ văn bản pháp luật vi hiến
Tại Điều 120 quy định Hội đồng Hiến pháp có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp…, tôi cho rằng nếu chỉ như vậy thì Hội đồng Hiến pháp chỉ mang tính hình thức, tính khả thi không cao, hiệu lực, hiệu quả không rõ. Do vậy, đề nghị bổ sung Hội đồng Hiến pháp là cơ quan bảo hiến, là cơ quan hoàn toàn độc lập chỉ tuân thủ Hiến pháp, không chỉ có chức năng kiểm tra, kiến nghị mà còn có chức năng quyết định đình chỉ, bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật vi hiến của Quốc hội, Chính phủ, TAND, Viện KSND tối cao. Tại khoản 3 của Điều 120, đề nghị bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo.
Quy định về tổ chức Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập (Điều 121) là không cần thiết vì việc bầu cử 5 năm mới diễn ra một lần. Hội đồng bầu cử chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, có tính chất nhất thời, khi kết thúc bầu cử thì Hội đồng bầu cử cũng coi như hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc quyền hạn. Vậy thì, có nên thành lập cơ quan Hội đồng bầu cử Quốc gia không? Do đó, tôi đề nghị giữ lại khoản 1 Điều 91 của Hiến pháp 1992 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội: công bố, chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
NGUYỄN SƠN (ghi)