Giữ “sức sống” cho di tích Tây Sơn
Di tích Gò Lăng (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1988. Theo sách “Bình Định danh thắng & di tích”, thì tại Gò Lăng tương truyền có nền nhà và vườn của gia đình ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng (bố mẹ của Tây Sơn tam kiệt - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ).
Qua thời gian, kiến trúc ở Gò Lăng hầu hết đã bị hủy hoại, dấu vết còn lại chỉ là một nền nhà bằng phẳng và mảnh vườn khoảng 2 sào. Tại khu vực di tích, người dân địa phương đã xây dựng ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Sơn Quân (thờ thần núi), nhưng thực tế là để thờ ông bà Hồ Phi Phúc. Trước đây, nhất là thời kỳ đầu nhà Nguyễn, hàng năm vào Tết Thanh minh nhân dân tổ chức cúng tế ở miếu bằng hình thức mật niệm. Về sau việc cúng tế được công khai, đến nay vẫn duy trì.
Di tích Gò Lăng. Ảnh: tayson.binhdinh.gov.vn
Ngoài điểm di tích Gò Lăng, ở thôn Phú Lạc còn có đình Phú Lạc trước đây bề ngoài là nơi thờ thành hoàng làng (để che mắt chính quyền nhà Nguyễn), nhưng thực tế là để thờ “Ba Ngài Tây Sơn”. Hằng năm, đến ngày 14 tháng 11 Âm lịch, người dân thôn Phú Lạc tổ chức giỗ anh em nhà Tây Sơn dưới danh nghĩa cúng Thường Tân (cơm mới) cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tại di tích Gò Lăng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng đền thờ Tây Sơn tam kiệt cùng người thân từ cách đây nhiều năm. Hiện ngày giỗ tại đền thờ do UBND xã Bình Thành chủ trì tổ chức và được sự hỗ trợ của Bảo tàng Quang Trung, các doanh nghiệp, mạnh thường quân và nhân dân địa phương. Công tác tổ chức Lễ hội Thường Tân gắn với Ngày giỗ Hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt ở thôn Phú Lạc đã trở thành điển hình được biểu dương tại Hội thảo về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ do Sở VH-TT &DL tổ chức vào tháng 6.2015.
Cách đây hơn một tháng, UBND tỉnh đã có Công văn số 3100 gửi Bộ VH-TT &DL đề nghị thỏa thuận chủ trương lập quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng di tích Địa điểm Gò Lăng - quê hương của các thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn. Phản hồi nhanh chóng sau đó, Bộ VH-TT&DL đã có ý kiến đề nghị không lập quy hoạch mà lập dự án tu bổ di tích để bảo tồn và phát huy giá trị, trong dự án này có phương án quy hoạch tổng mặt bằng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng căn cứ theo các quy định để lập dự án tu bổ di tích Địa điểm Gò Lăng, trình Bộ VH-TT&DL thẩm định. Sự quan tâm của Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh đối với việc tu bổ di tích Gò Lăng, sau khi được triển khai và hoàn thành trong tương lai sẽ góp phần lôi cuốn nhiều người dân trong tỉnh và du khách tìm về quê ngoại của các lãnh tụ Tây Sơn…
MAI THƯ