CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN TUY PHƯỚC LẦN THỨ XXI (NHIỆM KỲ 2015-2020)
Tập trung xây dựng hạ tầng, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn
Đây là những lĩnh vực được Đảng bộ và nhân dân huyện Tuy Phước tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX nhiệm kỳ 2010-2015 (NQ). Việc này không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển KT-XH ở địa phương mà còn tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 2015-2020.
Nâng cấp giao thông, gia cố cơ sở hạ tầng “vùng trũng”
5 năm qua, tốc độ đầu tư xây dựng hạ tầng của huyện Tuy Phước tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,7 lần so với giai đoạn 2005-2010. Vốn ngân sách các cấp, vốn doanh nghiệp và nhân dân đầu tư trực tiếp trên toàn địa bàn trong giai đoạn 2010-2015 là 4.228 tỉ đồng, đạt 402% so với kế hoạch đề ra.
Giai đoạn 2010-2015, huyện Tuy Phước đã tập trung gia cố, kiên cố các đoạn đê sông, đê biển xung yếu.
- Trong ảnh: Công nhân xây dựng cống xả trên tuyến đê Đông thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ảnh: THIÊN KHÁNH
Ông Phạm Tích Hiếu, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Nhiệm kỳ qua, huyện đã làm được nhiều việc lớn trong xây dựng hạ tầng cơ sở. Đáng kể nhất là đã gia cố, kiên cố hóa hệ thống đê sông, đê biển bảo vệ các khu vực xung yếu của huyện, kiên cố hóa kênh mương. Trong lĩnh vực giao thông, huyện tranh thủ được các nguồn vốn để mở rộng đầu tư các tuyến giao thông chính của huyện, xây dựng các chợ, cầu… tạo điều kiện phát triển KT-XH trên địa bàn”.
Cụ thể, huyện gia cố, kiên cố được gần 71 km đê sông, đê biển xung yếu với tổng giá trị thực hiện hơn 434 tỉ đồng (đạt 212% kế hoạch), lập khu di giãn dân vùng ngập lũ triều cường ở Huỳnh Giản (xã Phước Hòa); kiên cố hóa được 81,4km kênh mương, tăng 45,4km so với kế hoạch. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực giao thông 2.610 tỉ đồng, đạt 619% kế hoạch đề ra. Một số công trình lớn như: nâng cấp tuyến ĐT 636B, mở rộng đầu tư tuyến ĐT 640 hoàn thành và đưa vào sử dụng 11 cầu qua các xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện còn huy động nhiều nguồn lực khác xây dựng trên 280km đường bê tông nông thôn từ các trục đường chính về các xã, thôn.
Ông Võ Ngọc Cang, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng (UBND huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Huyện chủ động lập kế hoạch thuê khảo sát, tư vấn lập các dự án các tuyến đê sông, đê biển xung yếu cần được duy tu, bảo dưỡng cũng như các tuyến giao thông cần mở rộng, nâng cấp. Việc này một mặt tranh thủ nguồn vốn của trung ương và của tỉnh, mặt khác để địa phương chủ động thực hiện ứng phó với thiên tai, phát triển KT-XH địa phương”. Từ sự chủ động này huyện đã thu hút được trên 3.307 tỉ đồng đầu tư của Trung ương và của tỉnh để thực hiện các công trình, dự án lớn về hạ tầng trên địa bàn, đạt kế hoạch 678%.
Xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn
Ngày 4.8.2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà ký quyết định công nhận 3 xã Phước Hưng, Phước Nghĩa, Phước Thành đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015. Như vậy, huyện đã có tổng cộng 4 xã đạt chuẩn NTM (xã Phước An được công nhận năm 2014, vượt kế hoạch hơn 1 năm), đạt kế hoạch tỉnh giao và vượt chỉ tiêu 2 xã so với Kế hoạch số 19-KH/HU của Huyện ủy Tuy Phước về “Xây dựng nông thôn giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020”.
“Tuyến đê Đông chạy qua địa bàn xã đã được gia cố sẽ ngăn được nước mặn xâm thực ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và thoát lũ nhanh. Dân chúng tôi không còn phải thấp thỏm nỗi lo mất tài sản hay thiệt mạng mỗi khi lũ về. Cũng nhờ đó đường giao thông từ xã Phước Sơn qua Phước Thuận sẽ rút ngắn hơn nhiều”.
Ông TRẦN THANH LONG (53 tuổi, nhà ở ven đê Đông thuộc xóm 19, thôn Vinh Quang 2)
Ông Võ Ngọc Cang cho biết thêm, để phong trào xây dựng NTM thành công, các xã không chỉ khai thác tốt nguồn lực địa phương, lồng ghép các chương trình nguồn vốn khác tập trung xây dựng hạ tầng, mà tích cực vận động toàn dân chung tay xây dựng NTM. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng giao thông nông thôn, tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ.
Đến nay, huyện đã chuyển đổi thành công từ 3 vụ lúa/năm bấp bênh sang 2 vụ lúa/năm ăn chắc; nâng diện tích sản xuất giống tập trung của toàn huyện là 1.065 ha (NQ đề ra 300 ha) và gần 100% đã được cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch. Vì vậy, tuy diện tích gieo trồng giảm nhưng năng suất, sản lượng đều tăng; năng suất lúa bình quân đạt 67,8 tạ/ha (NQ đề ra 65,5tạ/ha). Nhờ tích cực triển khai chủ trương phát triển cánh đồng mẫu lớn, đến năm 2015 huyện đã mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn trên 1.800 ha ở 26 cánh đồng thuộc 13 xã, thị trấn.
Trong 5 năm đến, huyện Tuy Phước sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp để hình thành cánh đồng lớn, cánh đồng sản xuất giống lúa tập trung, vùng sản xuất lúa giống 2.000 ha/năm tại các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Hiệp; phấn đấu các xã còn lại hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn.
THU HÀ
Ông PHẠM TÍCH HIẾU, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tuy Phước:
Phát triển lợi thế địa phương gắn với không gian đô thị Quy Nhơn
Giai đoạn 2015-2020, huyện sẽ tiếp tục hoàn thành khối lượng công trình chuyển tiếp trong giai đoạn 2011-2015 đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả KT-XH, đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, nhất là các tuyến đường huyện, nội thị, liên xã và cơ bản hoàn thành đường bê tông xi-măng giao thông liên thôn, liên xóm; đầu tư cơ bản hoàn thiện 70 km kênh mương. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thu hút các doanh nghiệp đăng ký vào CCN Phước An giai đoạn 2; xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu thương mại - dịch vụ Phong Tấn (xã Phước Lộc) và các điểm khác của các xã có điều kiện; tiếp tục đầu tư phát triển các khu dân cư, hạ tầng đô thị, bảo đảm tốc độ đô thị hóa trên 42%.
Tuy Phước sẽ tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư có điều kiện các dự án để các đối tác trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn huyện trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương là gần TP Quy Nhơn, liên kết phát triển với đô thị Quy Nhơn theo định hướng trở thành đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn.