“Đại dịch” nói tục chửi bậy
Chầu cà phê ngày chủ nhật của mấy người hàng xóm tại quán cóc gần nhà trở nên trầm lắng khi anh Hải kể về nỗi bức xúc khi nghe con trai (mới 7 tuổi) nói tục với bạn tại cổng trường. Trên đường chở con về, qua trò chuyện, anh biết thằng bé học được của một đứa bạn cùng lớp. Đứa bạn cùng lớp lại học được từ một lần nghe bác hàng xóm say xỉn, trút giận lên vợ con. Anh hỏi con: “Con có hiểu hết được ý nghĩa của mấy từ này không?”, thì cậu con trai lắc đầu. Thằng bé cho biết, những từ này xuất hiện trong cuộc trò chuyện với nhóm bạn mới chỉ vài ngày. Hầu như, tụi nhỏ rất thích thú với những phát ngôn có mấy từ tục tĩu, chửi thề. “Tụi con thấy nó rất cá tính và khác biệt. Bạn nào nói được mấy chữ này thì được mấy bạn khác ngưỡng mộ hơn” - con trai anh Hải giải thích.
Ráng kìm nén cơn nóng tính, giải thích cho con hiểu về ý nghĩa phỉ báng, xúc phạm, thô lỗ, vô văn hóa của mấy từ tục tĩu, chửi thề, anh Hải lại tiếp tục bị giội gáo nước lạnh khi con trai hỏi lại:
- Nhưng con thấy thỉnh thoảng bố cũng nói thế khi uống bia với mấy chú, mấy bác xe ôm ở đầu hẻm cũng nói như vậy mà. Vậy chỉ người lớn mới được nói ạ?
Trước màn “phản pháo” của con, anh Hải đành im lặng. Về đến nhà, anh nhờ vợ tâm sự, trò chuyện cho con hiểu. Trong lúc đó, anh tiếp tục suy ngẫm về thói quen thiếu văn hóa của mình. Thật ra, trước khi nghe mấy từ xấu xí này phát ra từ miệng con, anh chẳng lấn cấn gì về việc nói tục, chửi thề của cánh đàn ông (mà chính mình cũng mắc phải). Đến hôm nay, lời con làm anh vỡ ra nhiều điều. Bấy lâu nay, anh cứ để cho “đại dịch” phát triển tự nhiên trong môi trường sống của mình, chẳng thèm ngăn chặn. Bây giờ, chính con trai anh bị nhiễm dịch, anh mới cắn rứt.
“Tiên trách kỷ”, muốn chữa bệnh cho con, anh và mấy ông bạn hàng xóm chắc phải thay đổi, không được văng tục cho sướng mồm nữa mỗi khi nóng giận hoặc bù khú với nhau. Có vậy, con trẻ mới có không gian sống trong lành, với lời hay ý đẹp.
HÀ THANH