CHÀO MỪNG ÐẠI HỘI ÐẠI BIỂU ÐẢNG BỘ HUYỆN TÂY SƠN LẦN THỨ XX (NHIỆM KỲ 2015-2020)
Xây “móng” vững, tập trung phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội đảng bộ huyện lần thứ XIX (NK 2010-2015), cơ cấu kinh tế huyện Tây Sơn chuyển dịch theo đúng định hướng, vượt kế hoạch đề ra.
Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng
Xác định kết cấu hạ tầng là nền móng vững chắc để phát triển KT-XH, 5 năm qua, huyện Tây Sơn đã dồn lực đầu tư 510,7 tỉ đồng xây dựng 288 công trình. Trong đó, đã bê tông 108km đường giao thông nông thôn. Nhiều công trình mang ý nghĩa tạo động lực phát triển KT-XH đã hoàn thành như các tuyến đường Cầu Voi-Phú Lạc, đường Hòa Hiệp-Nam Giang, đường Tây Vinh - Cát Hiệp, hệ thống kênh tưới Lộc Đỗng-Kiền Giang, Khu dân cư dịch vụ đê bao Sông Côn; cơ bản hoàn thành giai đoạn 2 khu dân cư-dịch vụ ngã 3 quốc lộ 19 - Nguyễn Huệ; xây dựng mới đường Bảo tàng Quang Trung - Hầm Hô… Huyện cũng đã phối hợp với tỉnh và các thành phần kinh tế khác triển khai xây dựng hoàn thành nhiều công trình kinh tế như: thủy điện An Khê -KaNak, kênh mương hồ Thuận Ninh giai đoạn 3, Công ty may Tây Sơn, Siêu thị Vinatex Tây Sơn, thủy điện Tiên Thuận, thủy điện Văn Phong… Những công trình xây dựng trên đã góp phần thay đổi diện mạo Tây Sơn; đặc biệt, thị trấn Phú Phong đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại IV.
Cùng với sự phát triển ở vùng đồng bằng và đô thị, các xã miền núi vùng sâu trên địa bàn huyện cũng đã có bước chuyển mình với tổng nguồn vốn đầu tư là 25,4 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư cho giao thông 15,5 tỉ đồng; định canh, định cư tập trung 6,7 tỉ đồng; còn lại đầu tư các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế... Nhờ vậy, đời sống người dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được cải thiện đáng kể. Ông Đinh Hương (81 tuổi) ở làng Giang, xã Vĩnh An, nói: “Ở Vĩnh An, nay đường giao thông đã tốt hơn, điện chiếu sáng, trạm xá, trường học đầy đủ. Nói chung là thay đổi nhiều, đời sống người dân ổn định hơn”.
Trong 5 năm qua, huyện cũng được tỉnh và Trung ương đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm như đập dâng và hệ thống kênh tưới Văn Phong; nhiều công trình lịch sử, văn hóa như Đàn tế Trời đất, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc… Các công trình này tạo thêm điểm đến du lịch, cùng với các di tích, danh thắng như Bảo tàng Quang Trung, Từ đường Bùi Thị Xuân, Lăng Mai Xuân Thưởng, Hầm Hô, tháp Dương Long… thu hút ngày càng đông du khách. Nhờ vậy, đã có hàng chục triệu lượt khách đến Tây Sơn tham quan du lịch, tăng 37% so với nhiệm kỳ trước. Đây cũng là điều kiện để huyện phát triển kinh tế toàn diện mà trọng tâm là du lịch, dịch vụ trong thời gian tới.
Chuyển dịch cơ cấu đúng hướng
Ông Tạ Xuân Chánh, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, khẳng định: Nhiệm kỳ qua, UBND huyện đã cụ thể hóa các chương trình hành động của Đảng bộ huyện, đề ra những giải pháp cụ thể để lãnh đạo phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, phải kể đến sự đồng thuận của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, góp phần hoàn thành và vượt kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội XIX (NQ) đề ra; nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Cụ thể, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng 33,2% trong cơ cấu kinh tế; thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 43,5%; nông, lâm, ngư nghiệp 23,3%, vượt kế hoạch NQ đã đề ra (là 33% - 43% - 24%). Tốc độ tăng bình quân hàng năm các ngành sản xuất 14,6% (vượt 1,6%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 27,5 triệu đồng/năm (NQ đề ra 25 triệu đồng/năm).
Đến nay, Tây Sơn đã quy hoạch xây dựng 12 cụm công nghiệp (CCN) và 2 làng nghề với tổng diện tích trên 320 ha; đồng thời thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh. Các CCN như: Cầu 16, Phú An, Bình Nghi, Hóc Bợm, Trường Định thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, với tổng nguồn vốn trên 1.568 tỉ đồng. Số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tăng 2.769 cơ sở, trong đó có 627 cơ sở sản xuất tại các CCN, tạo việc làm thường xuyên cho 3.465 lao động. Làng nghề nón lá Thuận Hạnh (xã Bình Thuận) và bánh tráng Kiên Long (xã Bình Thành) phát triển khá, giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 15 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 720 hộ gia đình.
Tây Sơn phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 18,5%. Năm 2010, toàn huyện có 5.253 cơ sở kinh doanh với 7.482 lao động; đến nay đã có trên 6.260 cơ sở, với hơn 8.399 lao động. Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách tiếp tục phát triển. Toàn huyện có 493 xe vận tải các loại; bến xe trung tâm huyện được xây mới, đạt chuẩn loại II.
“Trong 5 năm tới, huyện Tây Sơn quyết tâm phát huy tối đa nội lực để phát triển, trở thành huyện du lịch, điểm đến rất an toàn, hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế”, ông Tạ Xuân Chánh, Chủ tịch UBND huyện khẳng định.
Ông Trương Thiên Thành, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn:
Phát huy những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, giai đoạn 2015-2020, Tây Sơn phấn đấu để chuyển dịch tốt cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, chúng tôi xác định phát triển thương mại- dịch vụ mà trọng tâm là dịch vụ. Từ đó, tạo chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế, phấn đấu để công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chiếm trên 70% trong cơ cấu kinh tế.
HOÀNG CHI