Tình trạng khai thác thủy sản bằng các “nghề cấm”: Bao giờ mới xử lý dứt điểm?
Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng tình trạng người dân sử dụng xung điện, xiếc máy, chất độc, chất nổ… để khai thác thủy sản (KTTS) tại các đầm, phá ven biển trong tỉnh vẫn gia tăng. Lo ngại hơn, nghề KTTS bằng lưới lồng mắt nhỏ dù đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” và có chế tài xử phạt, song công tác xử lý tình trạng này vẫn đang bị “treo”.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS, thuộc Sở NN&PTNT) qua kiểm tra, toàn tỉnh có trên 1.000 hộ ngư dân đang sử dụng trên 80.000 chiếc lưới lồng để KTTS, trong đó phần lớn loại lờ sử dụng lưới mắt rất nhỏ do Trung Quốc sản xuất; có gần 100 phương tiện trang bị gọng xiếc; tập trung chủ yếu tại các xã khu Đông của huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn.
Khai thác bằng xung điện, xiếc máy là tận diệt nguồn lợi thủy sản trên đầm Thị Nại.
Hiệu quả xử lý thấp
Trong 7 tháng đầu năm nay, Thanh tra Chi cục KT-BVNLTS phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy, Đồn Biên phòng, các địa phương ven biển tổ chức 46 chuyến tuần tra, kiểm soát, kiểm tra tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy để KTTS trên các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ và các vùng biển ven bờ. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 46 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền 45,5 triệu đồng. Số vụ vi phạm bị xử phạt so với thực tế là rất ít.
Một đại diện Thanh tra Chi cục KT-BVNLTS lý giải: Công tác phòng chống xung điện, xiếc máy, nói chung là các “nghề cấm” ở các địa phương ven đầm, biển trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tại một số nơi, chính quyền địa phương chưa phối hợp tích cực với cơ quan chức năng trong việc tổ chức tuần tra, ngăn chặn xung điện, xiếc máy nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Mặt khác, lực lượng thanh tra của Chi cục hiện không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Do các vụ việc vi phạm đều phải chuyển cho các cơ quan liên quan hoặc tham mưu đề xuất với Thanh tra của Sở NN&PTNT xử lý nên hiệu quả răn đe bị chậm, giảm hiệu lực.
Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Duy Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) - thẳng thắn nhìn nhận, công tác xử lý xung điện, xiếc máy thời gian qua không mang lại hiệu quả. Qua thống kê, hiện trên địa bàn xã còn 35 chiếc xung điện, xiếc máy. Trước đây, địa phương từng tiến hành tháo dỡ gọng ngay tại bến nhưng có ý kiến cho rằng việc gọng gắn trên tàu cá không nằm trong danh mục dụng cụ cấm; phương tiện chưa hoạt động vi phạm nên không thể xử lý. “Đợi lúc các đối tượng này nổ máy ra đầm KTTS thì cấp tập triển khai công tác truy bắt; xử lý kiểu này chẳng khác nào “thả gà ra rồi mới rượt bắt””, ông Trinh cho biết.
Còn ông Phạm Quang Ân - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước - cho rằng: “Nhận thức của một số cán bộ, ngư dân ở một số địa phương về công tác BVNLTS chưa đầy đủ, buông lỏng, ngại va chạm. Việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các đối tượng sử dụng nghề cấm rất khó khăn; các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi và phức tạp. Có những trường hợp đối tượng vi phạm còn manh động, chống đối lực lượng tuần tra kiểm soát, nên việc tuần tra ngăn chặn, phát hiện, xử lý gặp nhiều trở ngại”.
Lờ lưới nhỏ cũng là dụng cụ tận diệt thủy sản được nhiều người sử dụng KTTS trên đầm Thị Nại.
“Treo” đến bao giờ?
Hoạt động KTTS bằng lưới lồng mắt nhỏ dù chính thức bị cấm nhưng hiện nay chính quyền các địa phương và cơ quan liên quan của tỉnh vẫn đang loay hoay tìm hướng xử lý.
“Chủ trương xử lý nạn lưới lồng thì đã có; nhưng đến nay, huyện lẫn tỉnh vẫn chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn hoặc ý kiến chỉ đạo nào cụ thể về cách thức triển khai, thời điểm thực hiện cũng như hỗ trợ việc chuyển đổi nghề sau khi nghề này bị “khai tử”, khiến địa phương lúng túng nên chưa dám làm”, ông Lê Duy Trinh nêu quan điểm.
Theo Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 13.6.2014, KTTS bằng lưới lồng thuộc danh mục nghề cấm hoạt động tại các vùng nước trong đầm, ven biển của tỉnh. Người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Mức phạt tiền từ 2-4 triệu đồng nếu hành vi xảy ra tại các vùng nước nội đồng và từ 6-8 triệu đồng nếu hành vi xảy ra trên biển. Thẩm quyền xử phạt hành chính thuộc Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra chuyên ngành thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Công an.
Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết thêm: “Hiện toàn huyện có trên 500 hộ sử dụng hơn 36.000 chiếc lưới lồng để KTTS trên đầm Thị Nại; nếu không có biện pháp xử lý đồng bộ dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực của những người hành nghề lưới lồng đối với chính quyền địa phương. Trước thực trạng đó, huyện đã làm tờ trình kiến nghị lên UBND tỉnh, Sở NN&PTNT xin chủ trương chỉ đạo về xử lý lưới lồng để tổ chức triển khai, nhưng đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn”.
Đề cập về trách nhiệm xử lý, một cán bộ Thanh tra KT-BVNLTS bức xúc: “Đến nay, công chức được giao quyền thực hiện thanh tra chuyên ngành vẫn chưa có; chúng tôi biết phải thực hiện sao đây? Trước mắt, Chi cục đề xuất và trình cấp thẩm quyền (Sở NN&PTNT, UBND tỉnh) kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của bộ phận thanh tra chuyên ngành thuộc Chi cục KT-BVNLTS (theo Nghị định số 07/NĐ-CP về thanh tra chuyên ngành ngày 9.2.2012). Qua đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành mới có đủ thẩm quyền để xử lý trong lĩnh vực này”.
Vậy, trách nhiệm của Sở NN&PTNT về vấn đề này ra sao? Theo tìm hiểu của PV thì chỉ mới dừng ở động thái chỉ đạo Chi cục KT-BVNLTS xây dựng kế hoạch xử lý nghề cấm. Như vậy, có thể thấy rằng, công tác xử lý nghề cấm trong KTTS của các cơ quan hữu quan trong tỉnh chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả mang lại chưa cao.
TRỌNG LỢI