Công tác nghiên cứu Văn hóa - Văn nghệ dân gian vùng dân tộc thiểu số: Cần lớp người kế tục
Góp phần quan trọng việc bảo tồn văn hóa truyền thống các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chính là những nhà sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian. Nhưng hiện nay đội ngũ này dần ít đi, thực tế đang đặt ra vấn đề cần bổ sung lực lượng, cũng như thực hiện các công trình chuyên sâu, toàn diện hơn.
Đưa nghiên cứu vào chiều sâu
Trong khoảng chục năm trở lại đây, có nhiều tác phẩm, công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian vùng dân tộc thiểu số ở miền núi ở tỉnh ta được xuất bản, phổ biến. Nhà nghiên cứu Yang Danh là người có nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn hóa làng, văn hóa dân gian, đám cưới, lễ hội, cồng chiêng… của người Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân và Đoàn Văn Téo đã phối hợp thực hiện các công trình nghiên cứu về văn hóa cổ truyền, nếp sống cổ truyền, văn hóa ẩm thực người Chăm Hroi ở huyện Vân Canh. Đinh Văn Thành thực hiện công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa cổ truyền, văn hóa làng của người Hre ở huyện An Lão. Nhà nghiên cứu Hà Giao có tác phẩm về sử thi của người Hre, hơmon và sử thi của người Bana… Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Bình Định, nhìn nhận: “Đề tài nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian ở vùng dân tộc thiểu số miền núi đã thực hiện chủ yếu mới chỉ làm về những vấn đề chung. Cần tiếp tục quan tâm đi sâu vào từng lĩnh vực văn hóa dân gian, loại hình nghệ thuật dân gian, loại thể văn học dân gian, từng nếp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Nhất là đối với những di sản văn hóa phi vật thể đã và đang có nguy cơ mai một”.
Cần có những đề tài nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số ở miền núi trên địa bàn tỉnh.
Trong công trình sưu tầm, nghiên cứu “Văn hóa Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định” của tác giả Nguyễn Xuân Nhân - Đoàn Văn Téo (NXB Văn hóa dân tộc năm 2011), đã nêu ra thực trạng người Chăm Hroi ở Vân Canh dường như đã để “thất truyền” thể loại trường ca, không còn ai nhớ về sử thi, truyện cổ vùng mình nữa… Trong khi đó, ở đồng bào dân tộc Chăm Hroi ở Phú Yên, hay người Bana sống cận kề đều gìn giữ vốn quý ấy. Tương tự, nhiều loại hình, loại thể văn hóa, văn nghệ dân gian vùng dân tộc thiểu số miền núi ở tỉnh ta hiện không còn hoặc đang mất dần…
Nghệ nhân Đinh Y Băng (72 tuổi), người am hiểu và sáng tác âm nhạc truyền thống nổi tiếng ở huyện Vĩnh Thạnh, tâm sự: “Nhiều loại nhạc cụ độc đáo của người Bana Kriêm đã mất đi vì không có người chế tác, biểu diễn. Tôi mong muốn có sự phối hợp giữa các nghệ nhân, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu để thực hiện các công trình nghiên cứu sâu về âm nhạc truyền thống với những đặc trưng riêng của dân tộc chúng tôi. Từ đó, có cách thức bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc…”.
Cần bổ sung lực lượng
Lực lượng chính thực hiện công tác nghiên cứu Văn nghệ dân gian vùng dân tộc thiểu số miền núi là hội viên các Chi hội Văn nghệ Dân gian Bình Định, Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Bình Định. Sau khi các nhà nghiên cứu Đoàn Văn Téo, Hà Giao mất đi, hiện nay “đứng mũi chịu sào” chỉ còn có các tác giả Yang Danh, Đinh Văn Thành, Nguyễn Xuân Nhân, Nguyễn Văn Ngọc từng thực hiện sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian vùng dân tộc thiểu số miền núi. Ngoài nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân còn bền bỉ thực hiện công việc nghiên cứu, những người khác hiện đã “mệt mỏi”, hoặc bận rộn công việc chuyên môn nên ít đi điền dã, sưu tầm nghiên cứu để thực hiện thêm các tác phẩm. Vì vậy, cần có sự tìm kiếm, bổ sung lực lượng tham gia nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian miền núi, nhất là các nhà nghiên cứu trẻ, được đào tạo bài bản.
Bên cạnh việc bổ sung lực lượng trẻ, cần mở rộng thêm đến nhiều đối tượng khác như cán bộ văn hóa, nghệ nhân… ở các xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Theo thống kê của Sở Nội vụ, hiện có 26 công chức văn hóa - xã hội ở cấp xã là người dân tộc thiểu số. Đây là những người ít nhiều được đào tạo về chuyên môn, sâu sát thực tế, có nhiều thuận lợi khi tiến hành công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian nếu được quan tâm hỗ trợ, tập huấn. Những nghệ nhân người dân tộc thiểu số đang trực tiếp “giữ vàng di sản” ở các địa phương cũng cần được khai thác, vận động tham gia công tác sưu tầm, nghiên cứu. Trước hết, cần bắt đầu từ các hội viên của Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số (thuộc Hội VHNT tỉnh) là các nghệ nhân, hay người trẻ có tâm huyết giữ gìn văn hóa truyền thống như Đinh Y Băng, Đinh Chương ở huyện Vĩnh Thạnh, Thiên Nga So Zuôn ở huyện Vân Canh…
HOÀI THU
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết: “Rất muốn đào tạo lực lượng trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số trở thành những người nghiên cứu văn hóa dân gian của dân tộc mình. Những năm qua, tôi đã chú ý đến một số sinh viên người dân tộc thiểu số học các ngành Văn, Sử ở Đại học Quy Nhơn. Các em có năng lực học tập và chịu sưu tầm, nghiên cứu, nên được động viên quan tâm đến với văn nghệ dân gian. Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Bình Định cũng đề nghị các hội viên quan tâm tìm kiếm, giúp đỡ kết nạp thêm được các hội viên trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh việc sưu tầm, nghiên cứu ở địa bàn miền núi…”.