Mở rộng đối tượng, phạm vi được tiếp cận thông tin
* Nghiêm cấm thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác
3 dự án luật gồm: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Khí tượng - thuỷ văn và Luật An toàn thông tin mạng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp ngày 12.8.
Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin khá “chật hẹp”
Bàn về dự án Luật Tiếp cận thông tin, nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, quy định như dự thảo luật là còn khá “chật hẹp”. “Có thể và nên mở rộng đối tượng và phạm vi cung cấp thông tin”, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị. Theo bà Trương Thị Mai, nhu cầu về thông tin của người dân vô cùng đa dạng, dự thảo không nên chia cắt các loại cơ quan được phép cung cấp thông tin. Chẳng hạn, có những thông tin mà đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có, nhưng nếu chiểu theo dự thảo thì là loại Văn phòng Quốc hội mới được cung cấp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang giải trình về dự án Luật Khí tượng - thuỷ văn tại phiên họp.
Người đứng đầu Uỷ ban Về các vấn đề xã hội nhấn mạnh: “Phải rà soát để đưa ra danh mục những loại thông tin không được cung cấp, từ đó bớt đi sự mơ hồ, đồng thời tăng cường tính trách nhiệm của các cơ quan tổ chức với người dân. Mặt khác, nên tính kỹ loại thông tin gì thì khi cung cấp phải thu phí, loại nào không; chứ “bắt” người dân phải trả phí trước rồi mới cung cấp thông tin thì nghe chừng tinh thần phục vụ hơi… yếu”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng cần phải làm rõ những trường hợp nào thông tin được cung cấp miễn phí, trường hợp nào phải trả phí, cách tính phí như thế nào…
Góp ý cho dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng cốt lõi của vấn đề ở đây là phân định loại thông tin nào phải cung cấp khi người dân yêu cầu. “Dự thảo phải xây dựng trên căn cứ này thay vì căn cứ vào việc ai “tạo ra và nắm giữ thông tin”. Bởi có những thông tin không do Nhà nước tạo ra, chẳng hạn như thông tin do doanh nghiệp cung cấp cho Nhà nước thì Nhà nước có cung cấp không?”, ông Đào Trọng Thi bình luận.
Chia sẻ quan điểm với ông Đào Trọng Thi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh, theo Hiến pháp 2013, tiếp cận thông tin là một quyền căn bản của công dân, những trường hợp hạn chế quyền này phải được quy định bằng luật; cho nên loại thông tin gì được cung cấp rộng rãi, hạn chế, không cung cấp phải rất rõ. Đặc biệt, cần đối chiếu luật này với Luật Báo chí để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, vì vai trò của báo chí trong lĩnh vực này là rất lớn.
Tăng cường trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân
Tiếp thu ý kiến ĐBQH đề nghị viết rõ hơn tên dự án luật để phù hợp hơn với phạm vi điều chỉnh của luật, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) của Quốc hội đã thống nhất với Ban soạn thảo và đề nghị được điều chỉnh tên “Luật An toàn thông tin” thành “Luật An toàn thông tin mạng”.
Liên quan đến việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN-MT cho biết, Thường trực Uỷ ban KHCN-MT nêu rõ, trước tình trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam gây bức xúc dư luận từ nhiều năm nay, nhằm góp phần hạn chế vấn nạn này, dự thảo luật đã bổ sung những quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của cơ quan Nhà nước không trùng lắp với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định tại Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử.
Tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH thống nhất với việc đổi tên luật là Luật An toàn thông tin mạng. Lưu ý đến cơ quan quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thông tin, ông Đào Trọng Thi cho rằng sự phân công phân nhiệm giữa Bộ TT-TT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ trong lĩnh vực này tại dự thảo luật (đặc biệt là nội dung liên quan đến mật mã dân sự - được định nghĩa là kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã có chức năng chuyên dụng để bảo mật hoặc xác thực đối với thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước) còn chưa rõ và có điểm bất hợp lý; cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án hoàn thiện.
Xã hội hoá hoạt động khí tượng - thuỷ văn
Việc cho phép tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác trạm khí tượng - thuỷ văn (KT-TV) chuyên dùng và hoạt động phục vụ, dịch vụ KT-TV và những nội dung xã hội hoá trong hoạt động KT-TV là những vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH cho ý kiến khi bàn về dự án Luật KT-TV.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dịch vụ cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo KT-TV bắt buộc phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cần chú trọng quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này; chẳng hạn như cho tư nhân đầu tư vào những phân khúc dịch vụ dự báo KT-TV nào và sử dụng thông tin này như thế nào. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng lưu ý: “Trong Luật Tiếp cận thông tin đã có quy định về những loại thông tin phải phổ biến công khai. Đối chiếu với Luật Tiếp cận thông tin, hành vi không công bố những loại thông tin bắt buộc phải công bố là phạm luật. Tôi đồng ý có một số loại thông tin KT-TV có thể thu phí, nhưng phải nói rõ vào đây loại nào được thu phí, loại nào không, nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi thông tin”.
Theo Anh Thư (SGGP)