Tuyển sinh đại học 2015: Không thể tiếp tục áp dụng cách làm năm nay
“Sau tuyển sinh đại học 2015, không nên bàn đến chuyện sửa đổi kỳ thi vừa qua như thế nào cho tốt hơn mà phải làm lại” – PGS Văn Như Cương.
Tuyển sinh đại học 2015 đang đi đến hồi kết. Nói đến kỳ thi này, cảm nhận chung của nhiều người là “luộm thuộm, mệt mỏi, tốn kém”. Các mục tiêu ưu việt ban đầu Bộ GD-ĐT đưa ra để thuyết minh cho kỳ thi này đều đã được thực tế phủ nhận.
Tốn kém, bất an
Trên các trang báo, mạng xã hội những ngày này ngập tràn chia sẻ về đợt tuyển sinh đại học 2015. Khổ nhất là các gia đình ở tỉnh xa phải “khăn gói quả mướp” lên các trường chầu trực nộp hồ sơ, rút hồ sơ. Tốn kém cho đợt xét tuyển này nhiều gấp bội so với năm ngoái. Chỉ tính đơn giản, năm ngoái thi mất 4 ngày, năm nay thi chung mất 6 ngày. Năm ngoái chỉ mất 4 ngày thuê trọ, đi thi, năm nay nhiều gia đình đã mất cả chục ngày chờ đợi, ngóng diễn biến tình hình tuyển sinh, đi lại khó khăn.
Rút ra, nộp vào - thí sinh như lạc vào ma trận tuyển sinh đại học 2015
Sau hơn 10 ngày, Bộ GD-ĐT có lẽ đã thấy bất cập nên thay đổi cách nộp hồ sơ khi thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng 1. Sửa sai của Bộ đưa ra trong lúc các gia đình đã “rã rời”, tiêu tốn gấp nhiều lần. Thế nhưng các địa phương có vẻ cũng không mặn mà với việc thay đổi này, khi cho rằng, Bộ đã đẩy khó cho địa phương. Nói cho cùng, dù có thay đổi gì thì mọi tốn kém, khổ sở chỉ thí sinh và gia đình thí sinh phải gánh chịu.
Theo quan điểm của PGS Văn Như Cương thì ngành giáo dục phải tỉnh táo để rút kinh nghiệm của kỳ thi này một cách nghiêm túc. Ông thẳng thắn phân tích: “Ta đề ra 3 tiêu chí: Tiết kiệm – đến thời điểm này thì không thấy có gì là tiết kiệm rồi. Từ nay đến tháng 9 là các thí sinh và gia đình phải túc trực để xem có trường nào thì rút hồ sơ ra rồi nộp vào. Mục tiêu thứ hai là “Đỡ căng thẳng, làm cho học sinh thoải mái trong kỳ thi” là hoàn toàn không đạt. Căng thẳng đã bắt đầu từ trong năm học. Mọi năm đến kỳ thi là thi. Từ đầu năm, Bộ ra chủ trương “2 trong 1” thầy và trò chúng tôi đều xoay sở không biết thế nào, ra đề thi theo kiểu nào. Ngay từ đầu năm học chúng tôi đã rất căng thẳng. Đến kỳ thi căng thẳng như thường lệ rồi. Nhưng kỳ này, từ nay đến cuối tháng 9 tâm lý căng thẳng và bất an vẫn còn đeo đẳng nhiều em”.
“Tại sao mọi người nói là đi nộp hồ sơ tuyển sinh đại học như đánh bạc? Vì không có thông tin gì để cho thí sinh quyết định “bỏ vào trường này hay bỏ vào trường kia”. Các lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì chỉ đưa ra lời khuyên các em phải bình tĩnh, chọn đúng sở thích… Sở thích là một chuyện còn việc đỗ cho được một trường nào đó là một chuyện khác. Những lời khuyên này cực kỳ vô bổ, vì thông tin không có đủ thì làm sao có thể xác định được”- PGS Văn Như Cương nói.
Tổ chức một kỳ thi “2 trong 1” là rất khó, một để lấy bằng tốt nghiệp THPT, một để chọn những anh khá, giỏi vào đại học. Hai kỳ thi chập vào làm một thì làm thế nào giải quyết được vấn đề? “Khiên cưỡng ngay từ đầu. Chỉ vì tiết kiệm thôi mà làm như thế sao? Trường tôi muốn tập hợp các em học sinh để các thầy giáo tư vấn, hỗ trợ cho các em nhưng không biết khuyên thế nào. Cách làm này gây hoang mang, với lựa chọn thế này không biết nói gì cả, cứ như chơi xổ số” – PGS Văn Như Cương bày tỏ.
Phá đi làm lại từ đầu?
Quan điểm của PGS Văn Như Cương là “Không nên bàn đến chuyện sửa đổi kỳ thi vừa qua như thế nào cho tốt hơn mà phải làm lại”.
Một mô hình PGS Văn Như Cương đề nghị là Bộ phải nghiên cứu là cách làm của trường Đại học quốc gia Hà Nội. Thí sinh chỉ làm bài 1 buổi là xong. Bài thi bắt buộc thí sinh không thể học lệch, bởi kiến thức rất tổng hợp, có tiếng Anh, Sử, Địa, giáo dục công dân cũng có… nhận xét năng lực toàn diện, không học lệch được. Thứ hai, không gian lận được vì tất cả làm trên máy. Thi xong là biết điểm luôn. Nếu xác định mô hình này là tốt thì ta nhân rộng, tìm cách khắc phục những hạn chế, làm thế nào cho phù hợp.
“Tôi nhắc lại là cách làm năm nay không sửa chữa được thì làm theo mô hình mới. Nếu sang năm vẫn làm như thế này thì cực kỳ gay go”- PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng liên quan đến kỳ thi này, GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Theo cách thi năm nay thì diện tuyển sinh quá rộng, thí sinh cũng như các trường không biết được là những ai sẽ vào trường mình. Chúng ta đã quản điểm thi, thông báo điểm thi trên mạng rồi thì cũng nên để học sinh nộp hồ sơ đăng ký trên mạng. Khi nào các em đã lọt vào danh sách trúng tuyển rồi thì chuyển hồ sơ của mình đến trường, có thể trực tiếp hoặc qua bưu điện. Nên tiếp tục công bố điểm thi của toàn bộ thí sinh. Năm nay, thí sinh chỉ biết điểm của mình, không biết điểm của các bạn khác. Công bố điểm của toàn bộ thí sinh cũng là cách để xã hội giám sát”.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN