Phong trào thi đua yêu nước ở Vân Canh: Tạo bước đột phá phát triển
Giai đoạn 2010 - 2015, phong trào thi đua yêu nước ở huyện Vân Canh tập trung vào việc khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh về nông - lâm nghiệp của địa phương để tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH, cải thiện đời sống nhân dân.
Đáng chú ý nhất là các ngành chức năng, người dân đã tháo gỡ khó khăn về vốn, ứng dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Từ các phong trào thi đua, 5 năm qua, các ngân hàng trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 5.000 doanh nghiệp và hộ dân được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng dư nợ ước đạt 225 tỉ đồng, vượt 75 tỉ đồng so với kế hoạch, trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã đứng ra tín chấp cho gần 4.000 hộ được vay hơn 130 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, huyện tập trung triển khai nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi bò lai, nuôi vỗ béo bò, nuôi gà sinh học, trồng mì xen đậu, trồng màu trên đất lúa thiếu nước, trồng rừng nguyên liệu giấy.
Việc quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với từng loại cây, con cũng được huyện quan tâm thực hiện. Xã Canh Thuận có mô hình chăn nuôi bò tập trung ở làng Kà Xim và Hòn Mẻ; xã Canh Vinh có mô hình cánh đồng mẫu lớn ở cánh đồng Thương; toàn huyện có 1 trang trại và 73 gia trại, vườn rừng, với diện tích 1.400ha, cho thu nhập bình quân mỗi năm 6,2 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế ở huyện Vân Canh là lâm nghiệp, với quy mô đầu tư và diện tích ngày càng tăng. Bình quân mỗi năm người dân Vân Canh trồng mới 2.000 ha rừng nguyên liệu giấy, lợi nhuận khoảng 55 triệu đồng/ha, đưa tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp của huyện đạt hơn 111 tỉ đồng/năm. Điều này đã góp phần đưa cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với thế mạnh, tiềm năng địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 15,4 triệu đồng, tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo còn 39,2%, giảm trung bình 4,9%/năm. Ông Đoàn Văn Dặm (làng Đắc Đâm, thị trấn Vân Canh) cho biết: “Hưởng ứng phong trào thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình tôi mạnh dạn xóa bỏ phương thức sản xuất cũ tự cung, tự cấp, chuyển sang sản xuất cây, con hàng hóa với 7 ha keo lai; 2 ha vườn rừng trồng chuối, thơm, đu đủ..; chuyển 2 ha mía sang trồng mì cao sản; nuôi 4 con bò lai, thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình tôi nay đã thoát nghèo bền vững”.
Với mục tiêu “Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực, tăng trưởng kinh tế bền vững, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Trần Kim Vũ đã phát động phong trào thi đua toàn huyện giai đoạn 2015 - 2020 với nội dung: Tập trung phát triển nông - lâm nghiệp; chung sức xây dựng nông thôn mới; ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ vào sản xuất; khai thác sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai; nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị sản xuất, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm 7,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm; đạt 3/6 xã nông thôn mới vào năm 2020.
Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã và đang lan tỏa rộng rãi trong toàn thể cán bộ và nhân dân trong huyện. 4 năm qua (2011-2015), huyện đã đầu tư trên 8,8 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó có 5,13 tỉ đồng bê tông gần 2 km đường giao thông nông thôn, gần 300 m đường giao thông nội đồng, sửa chữa nâng cấp 1 công trình nước sạch và một số công trình cơ sở hạ tầng khác.
Ðồng lòng với chủ trương của huyện, nhân dân trong huyện phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, nhân dân tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất và phá dỡ hàng ngàn mét hàng rào, nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ để làm đường giao thông, đồng thời chỉnh trang lại vườn nhà, tường rào, cổng ngõ theo quy hoạch. Ông Lơ O Hòa, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, cho biết: “Cấp ủy Ðảng, chính quyền xã Canh Thuận vận động nhân dân đóng góp hơn 10.000 m2 đất để xây dựng các công trình công cộng; đầu tư gần 2 tỉ đồng xây dựng nhà ở, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa và thôn, làng. Tiêu biểu là làng Kà Xim hiện có 50% số hộ có nhà xây kiên cố, có khuôn viên gia đình khang trang, sạch đẹp. Sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đã giúp cho xã tháo gỡ được một phần khó khăn trong giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng để xây dựng nông thôn mới”.
HẠNH PHÚC