Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh: Tích cực bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống
Nhiều năm qua, Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh không chỉ được biết đến là ngôi trường có bề dày thành tích trong dạy và học, mà đây còn là một “điểm sáng” trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Bằng hành động cụ thể
Chúng tôi đến thăm Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh lúc thầy Từ Kim Lân, Phó hiệu trưởng nhà trường đang đôn đốc cán bộ quản lý thư viện sắp xếp lại các tư liệu. Tiếp chúng tôi, thầy Từ Kim Lân giới thiệu Phòng trưng bày Văn hóa dân tộc (VHDT) Bana có diện tích hơn 40 m2 bên cạnh Thư viện. Đây là phòng học cũ với nhiều loại nhạc cụ dân tộc và các mô hình mang đậm sắc thái dân tộc Bana Kriêm như: đàn tơ rưng, đàn goong, đàn tơ lía, đàn alal, kèn, mác, cồng, chiêng, khiêng, gùi, chông, trống, nhà sàn, được sắp đặt đẹp mắt.
Ông Nguyễn Ðình Thảo, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Vĩnh Thạnh: “Việc giới thiệu và đưa VHDT Bana Kriêm vào việc giảng dạy của trường PTDTNT Vĩnh Thạnh bước đầu có sức lan tỏa mạnh mẽ trong HS, phụ huynh và nhân dân, đặc biệt là con em đồng bào DTTS. Sắp tới, ngành Văn hóa huyện sẽ hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho mô hình mới này, tạo “hạt nhân” nòng cốt, góp phần phát triển phong trào văn hóa địa phương”.
Nhớ lại những năm đầu thành lập Phòng trưng bày (2013-2014), thầy Kim Lân xúc động nói: “Lúc mới nảy sinh ý tưởng thành lập Phòng trưng bày VHDT và sưu tầm các loại nhạc cụ, vật dụng, mô hình dân tộc Bana Kriêm, trường gặp không ít khó khăn. Ban đầu chỉ có 2 loại nhạc cụ là đàn tơ rưng và cồng chiêng. Nhưng đến nay, con số ấy đã lên đến 60 hiện vật”. Nhờ sự tham gia tích cực của cán bộ, giáo viên, HS, kể cả các phụ huynh trong sưu tầm, hiến tặng các vật phẩm văn hóa Bana, đến nay Phòng trưng bày đã có “vốn” kha khá, bổ sung nguồn học liệu, phục vụ cho giảng dạy, gồm: 35 mô hình nhà ở, nhà sàn và vật dụng của người Bana; 8 bộ trang phục, đồ trang sức, 14 mẫu hoa văn dệt thổ cẩm, 32 nhạc cụ dân tộc Bana. Được đóng góp sức mình vào Phòng trưng bày, em Đinh Văn Lỳ, HS lớp 11A, phấn khởi: “Khi trường phát động phong trào sưu tầm VHDT Bana Kriêm, em và các bạn đã hào hứng tham gia. Bởi đây là việc làm để giới thiệu nét đẹp VHDT mình, qua đó thêm hiểu, thêm yêu truyền thống VHDT quê hương”.
Ngoài Phòng trưng bày, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống người Bana Kriêm như: Hội thi chế tác, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và hát dân ca Bana, Hội thi chúng em viết và nói về dân tộc mình; Thi biểu diễn cồng chiêng và múa xoang; Hội thi dệt thổ cẩm, đan lát; tham quan các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đặc biệt, tập tài liệu “Giới thiệu một số nét truyền thống VHDT Bana Kriêm, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở huyện Vĩnh Thạnh” như một kênh thông tin hữu ích, cung cấp cho các giáo viên và HS nhiều kiến thức mới về mảnh đất, con người trên vùng đất Vĩnh Thạnh.
Góp phần giáo dục toàn diện
Điều đáng quý trong giáo dục văn hóa truyền thống cho HS ở Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh nhiều năm qua là nhà trường tin tưởng giao cho các em HS thực hiện các đề tài khoa học về văn hóa truyền thống người Bana Kriêm. Bước đầu đã thu được những “quả ngọt”, động viên phong trào như: Dự án “Văn hóa cồng chiêng với HS DTNT” do em Đinh Thị Hiền (HS lớp 11A1) thực hiện đã đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho HS Trung học cấp tỉnh năm 2014; Dự án “Dân ca Bana Kriêm với HS dân tộc Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định” do em Đinh Thị Phường, HS lớp 10A1, thực hiện đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho HS Trung học cấp tỉnh và đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho HS Trung học cấp Quốc gia năm 2015.
Nói về ý nghĩa và hướng phát triển của chương trình bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong HS, Phó hiệu trưởng Từ Kim Lân cho biết thêm: “Những gì thầy và trò trường chúng tôi làm được vẫn còn bé lắm! Trăn trở trước thực trạng nhiều HS vẫn còn nhận thức mơ hồ về vốn văn hóa của dân tộc mình mà nhà trường đã mạnh dạn đưa VHDT vào lồng ghép giảng dạy. Qua đó, nhằm giáo dục toàn diện cho HS, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống Bana Kriêm. Sắp tới, trường sẽ cho xây mới Phòng trưng bày VHDT khang trang, tươm tất hơn để phát huy hiệu quả thiết thực giáo dục văn hóa truyền thống trong HS”.
Thành lập từ năm 1984, Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh có nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh người DTTS trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn. Hiện nay, trường có 7 khối lớp (lớp 6 đến 12), chia thành 14 lớp với gần 500 HS (trong đó, HS người Bana chiếm khoảng 98%) và 48 cán bộ giáo viên.
THANH MINH - KIM CƯƠNG