Cần phối hợp giải quyết bức xúc của người lao động
Ðó là ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành liên quan tại Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp giai đoạn 2009-2015 và ký kết chương trình công tác giai đoạn 2015-2016 giữa UBND tỉnh và LÐLÐ tỉnh được tổ chức mới đây.
Còn nhiều bất cập
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, sự phối hợp hoạt động theo Quy chế giữa UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh trong 6 năm qua ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào những thành tựu chung của tỉnh.
Tuy nhiên, việc phối hợp vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Đó là việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhiều nơi còn hình thức; việc phối hợp thanh tra, kiểm tra thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là kiểm tra thực hiện Bộ luật Lao động và các chế độ chính sách đối với người lao động (NLĐ)trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước còn ít; chưa mạnh dạn xử lý các vi phạm, vì vậy tình trạng vi phạm chế độ chính sách đối với NLĐ vẫn diễn ra phổ biến.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Tây Sơn Cao Thị Chinh và Chủ tịch LĐLĐ huyện Phù Cát Cao Quang Vinh nhận xét thực tế vi phạm pháp luật lao động của một số doanh nghiệp như nợ lương kéo dài, thời gian làm việc tới 10,5 giờ/ngày, song kết quả giải quyết không đến đâu vì thiếu sự sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm từ cơ quan chức năng. Bà Chinh còn cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Tây Sơn nói riêng xuất hiện nhiều xưởng may gia công cho các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, mỗi xưởng có khoảng 30 - 40 lao động làm việc tập trung, nhưng việc quản lý lao động của các xưởng gia công này chưa chặt chẽ. “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp và các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở này”, bà Chinh kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch LĐLĐ huyện Tuy Phước, dẫn chứng thêm, qua tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã phát hiện một số doanh nghiệp trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ; một số doanh nghiệp cho công nhân làm tăng ca, làm việc ban đêm, chủ nhật hay ngày lễ nhưng chỉ được tính một đơn giá tiền lương như những giờ làm việc bình thường.
Ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, cũng bức xúc: “Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong Khu kinh tế lách luật bằng cách đồng loạt ký hợp đồng lao động thời vụ. Nhiều doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn lao động nhưng không chịu đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Bên cạnh đó, theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21.11.2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn thì doanh nghiệp có công đoàn hay không có công đoàn đều phải đóng kinh phí công đoàn 2% nhưng các doanh nghiệp không chịu đóng, trong khi không có chế tài xử lý.
Còn theo thống kê của Cơ quan BHXH tỉnh, tính đến tháng 7.2015, doanh nghiệp đang nợ BHXH gần 200 tỉ đồng (nợ từ 1 tháng trở lên). Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Cơ quan BHXH tỉnh, cho biết, cơ quan này đã khởi kiện ra tòa 21 doanh nghiệp và đang củng cố hồ sơ tiếp tục khởi kiện các doanh nghiệp khác nợ BHXH để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Phối hợp đồng bộ giải quyết bức xúc của người lao động
Ông Trần Văn Trung cũng đề xuất, trong thời gian tới BHXH tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho NLĐ. Và sau khi có kết quả kiểm tra UBND tỉnh nên chỉ đạo xử lý quyết liệt việc nợ đọng BHXH, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH), gợi ý: “Theo Luật Công đoàn, công đoàn cũng nên đại diện cho NLĐ khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ bị xâm phạm và được NLĐ ủy quyền”.
Từ các ý kiến của các đại biểu tham gia, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức công đoàn giải quyết các bất cập nêu trên, đem lại quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ cam kết đồng hành cùng LĐLĐ tỉnh trong việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, vận dụng tất cả các khả năng, kể cả khả năng giải quyết tranh chấp bằng con đường pháp lý nhằm giảm thiểu tiêu cực, đảm bảo xây dựng môi trường lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Nhưng, trước mắt, các cấp chính quyền, công đoàn cần tập trung công tác tuyên truyền pháp luật lao động để nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ doanh nghiệp về quyền lợi, nghĩa vụ của cả hai bên để biết và thực hiện cho đúng.
NGUYỄN PHÚC