Phù Cát: Dân “kêu trời” vì các cơ sở xay xát nhựa gây ô nhiễm
Nhiều hộ dân ở xóm Thái, thuộc thôn Phong An, xã Cát Trinh (Phù Cát) vô cùng bức xúc trước việc một số cơ sở xay xát nhựa tại địa phương gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT); trong khi đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng vẫn chưa có hướng xử lý hiệu quả.
Cách đây khoảng 2-3 năm, tại xóm Thái hình thành khu mua bán nhựa phế liệu với sự tham gia của gần 10 hộ gia đình; đặc biệt, hiện nơi đây có 3 cơ sở chuyên chế biến, xay xát nhựa phế liệu của bà Lê Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Vân và ông Thành có quy mô lớn. Mỗi ngày, hàng ngàn ký nhựa các loại được nhân công của các cơ sở cho vào máy xay nhỏ; sau đó ngâm, tẩy trắng bằng hóa chất, rồi đem phơi khô.
Đáng nói, quá trình xay và tẩy rửa, các cơ sở xay xát nhựa thải trực tiếp ra môi trường lượng nước thải độc hại rất lớn. Lượng nước này tràn ra đồng ruộng, vào vườn nhà nhiều hộ gia đình; sau đó ngấm xuống đất, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng. Hiện nay, giếng nước của một số hộ gia đình ở xóm Thái bị ô nhiễm, không thể sử dụng nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nấu ăn; trong đó, trầm trọng nhất là giếng nước của hộ bà Lâm Thị Trước, ông Nguyễn Xuân Ba (nhà ở gần cơ sở xay xát nhựa của bà Hiền). Ngoài ra, nước thải ứ đọng lâu ngày, tạo mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu; ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân xung quanh, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Ông Nguyễn Xuân Ba bức xúc: “Ngày nào các cơ sở này cũng xay xát nhựa, sau đó tẩy rửa, thải trực tiếp nước thải độc hại ra đồng ruộng. Việc làm này khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng; riêng các giếng của nhiều hộ dân ở đây bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Người dân chúng tôi lo lắng, bức xúc, nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cấp, các ngành đề nghị xử lý, giải quyết, nhưng tình hình ÔNMT ngày một nghiêm trọng hơn”.
Theo xác nhận của đại diện xóm Thái và thôn Phong An, thì lo lắng, bức xúc của người dân ở xóm Thái là hoàn toàn có cơ sở; bởi tình trạng ÔNMT ở đây đang ở mức báo động. Qua các đợt tiếp xúc Hội đồng nhân dân xã, huyện, đại diện Ban nhân dân thôn nhiều lần kiến nghị ngành chức năng xử lý, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa chuyển biến.
Liên quan việc này, ông Nguyễn Ngọc Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, cho biết: Trước phản ảnh của người dân, xã tiến hành kiểm tra, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở xay xát nhựa của bà Hiền, bà Vân vì không lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định; đồng thời, nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở có biện pháp khắc phục.
“Việc buộc các cơ sở ngưng hoạt động hoặc chuyển đến địa điểm khác vượt quá thẩm quyền của xã, do vậy, chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND huyện Phù Cát và ngành chức năng liên quan sớm có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh bức xúc cho người dân”, ông Phước cho biết thêm.
Cách đây hơn nửa năm, vào tháng 2.2015, Báo Bình Định đã có bài “Phù Cát: Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại “xóm phế liệu””, cảnh báo về tình trạng ÔNMT tại xóm Thái do ảnh hưởng bởi hoạt động của các cơ sở thu mua, xay xát nhựa tại đây. Đại diện chính quyền địa phương cũng tỏ ra bức xúc trước thực trạng này và hứa đề nghị UBND huyện Phù Cát có biện pháp kiểm tra, xử lý dứt điểm. Vậy nhưng, đến thời điểm hiện nay, thực trạng ÔNMT tại xóm Thái vẫn tiếp diễn với mức độ trầm trọng hơn.
Rõ ràng, việc các cơ sở thu mua, xay xát nhựa phế liệu tại xóm Thái hoạt động ngay trong khu dân cư với quy mô ngày càng lớn đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường, cũng như sức khỏe, đời sống của người dân nơi đây. Đề nghị UBND huyện Phù Cát, các ngành chức năng liên quan sớm có giải pháp xử lý dứt điểm; về lâu về dài, phải đưa các hộ kinh doanh vào hoạt động tại các khu sản xuất tập trung theo đúng quy định.
C.LUẬN