Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn: Lo “an cư ” cho trẻ trai lớn
Tách các trẻ trai lớn sống riêng là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các làng trẻ em SOS. Tuy nhiên, trước tình thế chưa có lưu xá thanh niên, Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn phải chật vật tìm giải pháp tạm thời để “an cư ” cho số trẻ trai lớn.
Các thành viên của nhà Thanh niên cùng nhau học bài.
Từ ngày 1.8.2015, Trần Văn Trung cùng 13 trẻ trai trong độ tuổi 13-17 tách khỏi các nhà gia đình, về sống tập trung tại nhà Thanh niên của Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn. Ở tuổi 14, Trung vẫn quen với sự chăm sóc của mẹ ở nhà hoa Thược dược. “Từ ngày về đây, mỗi sáng con phải dậy sớm hơn, phải tự chăm sóc cho mình nhiều hơn. Cả nhà chia thành 3 nhóm, thay phiên nhau nấu cơm”, Trung thật thà kể.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, các thành viên của nhà Thanh niên nhanh chóng hòa nhập với nếp sống tự lập. Nguyễn Phước Huy năm nay 15 tuổi, học lớp 9, tâm sự: “Những anh em cùng lứa tuổi dễ hỏi han nhau chuyện học hành, chia sẻ chuyện bạn bè, trường lớp”.
Nhà Thanh niên có 3 phòng ngủ, 2 phòng lớn mỗi phòng có 5 giường, phòng nhỏ hơn kê 4 giường. Đang tuổi ăn tuổi lớn, bữa sáng 14 “chàng” ngốn hết 30 gói mì tôm, mỗi bữa trưa 14 lon gạo đều sạch veo. Ngoài định mức tiền ăn (mỗi trẻ 610 ngàn đồng/tháng), tiền quần áo (170 ngàn đồng/tháng), tiền trợ cấp cá nhân (60.000 đồng/tháng), Làng còn bố trí kinh phí “đặc biệt” dùng chung cho nhà Thanh niên với mức 1,15 triệu đồng/tháng.
Giám đốc Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn Nguyễn Xuân Cương cho biết, theo quy định của tổ chức SOS quốc tế, mô hình của mỗi làng trẻ em SOS đều phải có lưu xá thanh niên cho trẻ từ 12-13 tuổi trở lên (trước đây có cả lưu xá cho nữ, nay chỉ cần thiết cho nam). Ở độ tuổi này, các em có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, đòi hỏi phải tách sống riêng để tránh những mối quan hệ không mong muốn xảy ra giữa các anh chị em trong các gia đình. Lưu xá thanh niên là một bộ phận tách biệt, có nhà ăn tập thể, dãy phòng ở tập thể (mỗi phòng cho 3-4 trẻ); có người phụ trách, nhân viên giáo dục, nhân viên nấu ăn, không cần bà mẹ.
Việc tách các trẻ trai lớn ra sống riêng là rất cần thiết cho sự phát triển tâm sinh lý của các em.
- Trong ảnh: Các em trai chơi bóng đá.
Cùng với 3 làng thuộc diện “sinh sau đẻ muộn” (Điện Biên, Thái Bình, Pleiku), Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn vẫn chưa có lưu xá thanh niên. “Trong khi các nơi khác còn nhiều khó khăn về mặt bằng, Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn lại có thuận lợi là diện tích rộng, được quy hoạch sẵn các phân khu chức năng, trong đó có phần đất dành để xây lưu xá thanh niên. Tuy nhiên, có đất mà chưa có tiền thì cũng chịu”, ông Cương chia sẻ.
Trong khi các nơi khác còn nhiều khó khăn về mặt bằng, Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn lại có thuận lợi là diện tích rộng, được quy hoạch sẵn các phân khu chức năng, trong đó có phần đất dành để xây lưu xá thanh niên. Tuy nhiên, có đất mà chưa có tiền thì cũng chịu
Ông NGUYỄN XUÂN CƯƠNG - Giám đốc Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn
Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn đã đề nghị Văn phòng Làng Trẻ em SOS Việt Nam sớm triển khai xây dựng lưu xá thanh niên. “Tuy nhiên, câu trả lời là chưa có kinh phí. SOS Việt Nam cũng gợi ý giải pháp thuê nhà trọ bên ngoài cho trẻ trai lớn. Tuy nhiên, chúng tôi không làm theo cách này, vì khó khăn về kinh phí, nhân sự, bên cạnh đó là các vấn đề phát sinh liên quan đến không gian sống khó đảm bảo cho trẻ phát triển theo đúng định hướng”, ông Cương cho hay.
Trong thời gian chờ nguồn kinh phí của cấp trên, Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn đã cho các trẻ trai lớn sống tập trung ở ngôi nhà còn trống duy nhất, bố trí nhân viên ở hẳn cùng các em. Song, giải pháp tạm thời này cùng lắm chỉ duy trì được 2 năm nữa, bởi các trẻ đến tuổi phải “ra riêng” sẽ tăng dần theo thời gian, mà nhà Thanh niên hiện tại cũng đã chật chội. Trong khi đó, với 141 trẻ chia cho 14 nhà, lượng trẻ trong mỗi nhà đã “vượt chuẩn” là 10 trẻ. Đó là chưa kể lượng hồ sơ đang chờ tiếp nhận cũng không phải là ít.
NGUYỄN VĂN TRANG
Trên tường nhà Thanh niên, bên cạnh lịch sinh hoạt hằng ngày, còn có danh sách “Những việc nên làm và không được làm”. Trong 16 điều không được làm, đáng chú ý có: không gây gổ, đánh lộn, nói tục, chửi bậy; không hút thuốc, uống rượu, trộm cắp, chơi game; không chơi với các thanh niên chậm tiến bên ngoài; không được có những hành vi, cử chỉ, lời nói thô bạo, suồng sã với bạn gái; không tự ý đụng đến đồ dùng cá nhân, chốn riêng tư của người khác; không dùng dao, kéo, cuốc xẻng để… đùa giỡn…