Lo với chuyện ăn!
Lâu nay, chuyện về thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường bất chấp sức khỏe người tiêu dùng đã không còn là chuyện cá biệt. Người ta có thể thống kê ra rất nhiều chiêu thức “làm bẩn” thực phẩm như: dùng thuốc kích thích làm giá đỗ, tẩy trắng chân gà bằng ôxy già, cá ngâm urê cho tươi lâu, tẩy trắng măng bằng axit, dùng thuốc cho trái cây chín nhanh… Điều đáng sợ là nhiều loại hóa chất được sử dụng cho thực phẩm nhưng không có nguồn gốc rõ ràng hoặc bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Ai cũng biết bữa ăn hàng ngày là nguồn cung cấp năng lượng, dinh dưỡng để duy trì sự sống, sức khỏe cho con người. Vì thế người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng khi thức ăn hàng ngày lại là “nguồn nguy hiểm cao độ” bởi dư lượng những chất độc hại ẩn chứa trong đó. Để tự bảo vệ mình trước thực phẩm bẩn, nhiều gia đình đã chọn giải pháp “tự cung tự cấp” một số loại thực phẩm bằng tự làm giá sạch, tự trồng rau sạch, tự chăn nuôi heo, gà sạch…; những người khác không có điều kiện để “tự cung tự cấp” thì tìm cho mình một số địa chỉ cung cấp rau, thịt, cá… có uy tín về chất lượng.
Tuy nhiên, câu chuyện về thực phẩm bẩn ngày càng trở nên phức tạp như một “ma trận” rối rắm khiến người tiêu dùng không biết đường nào mà lần. Chẳng hạn như với thịt heo - loại thực phẩm gần như không thể thiếu trong các bữa ăn của mọi gia đình. Nếu như trước đây người dùng chỉ sợ mua phải thịt heo chết, heo bệnh thì bây giờ phải sợ đủ thứ. Trong thịt heo bây giờ không chỉ có chất tạo nạc, thuốc tăng trọng, vi khuẩn do bơm nước mà còn có cả thuốc an thần được người giết mổ chích để cho thịt có màu đỏ đẹp, tươi và dai hơn. Theo các chuyên gia y tế, loại thịt heo bị chích thuốc an thần có thể bị gây hại đến hệ thần kinh, hệ bài tiết.... của người dùng nếu sử dụng trong thời gian dài. Với trẻ em, mức độ nguy hiểm còn lớn hơn khi có thể bị nhiễm độc dẫn đến rối loạn giấc ngủ, trí óc đần độn…
Trước “tai họa” thực phẩm bẩn gây nhiều nguy hại cho sức khỏe và tính mạng, việc người tiêu dùng cảnh giác, tự bảo vệ mình bằng vốn kiến thức về vệ sinh thực phẩm là cần thiết chưa đủ sức để phòng ngừa hiệu quả. Do đó rất cần có sự “vào cuộc” quyết liệt hơn của cơ quan chức năng, có chế tài xử lý kiên quyết hơn đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Đặc biệt, đối với các trường hợp cố tình dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh thực phẩm không thể chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà cần phải coi đó là tội phạm hình sự để xử lý thì mới đủ sức răn đe.
H.Đ