Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng: Kỷ niệm về một chuyến hàng
Tác giả bài viết này - Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một người con của quê hương Bình Định cũng là cựu chiến binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng từng chiến đấu tại Bình Định, nay đang sống tại Nha Trang. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng (2.9.1965- 2.9.2015), nhớ lại kỷ niệm thời còn ở quân ngũ, tác giả viết bài ký “Kỷ niệm một chuyến hàng” gửi Báo Bình Định. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Năm 1970 - thời kỳ khó khăn căng thẳng nhất của sư đoàn Ba Sao Vàng, bọn địch đã chiếm lại các vùng giải phóng từ những năm 1968, 1969, lấn sâu vào vùng giáp ranh, đổ quân những núi cao, càn quét đánh phá, cắt đứt tuyến đường vận chuyển của ta nối liền với đồng bằng.
Trong một cuộc họp của Xưởng may Sư đoàn, đồng chí Cát, Xưởng Trưởng, quán triệt: Nhiệm vụ của xưởng ta lúc này là phải may quần, áo cho cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn.Tình hình đang khó khăn, các chiến sĩ đã đói, mà quần, áo không đủ ấm, làm sao đảm bảo sức khỏe để chiến đấu. Hiện tại, xưởng không còn vải, nguồn lương thực, thực phẩm cạn kiệt. Rau dại (tai voi, môn dóc), đọt mì vùng lân cận xưởng đã khai thát hết. Lần này, đơn vị dốc toàn bộ lực lượng đi lấy hàng (trừ những đồng chí ốm yếu).
Lúc ấy tôi mới nhập ngũ, còn bé nên quân lực Sư đoàn gửi tôi về xưởng may nuôi 3 năm, sau đó trả lại cho sư bộ. Tôi nằm trong diện không được đi đợt này. Nhưng tôi cứ khăng khăng đòi đi. Cuối cùng, anh Cát chấp nhận cho đi.
Xưởng tổ chức thành nhiều tổ lấy hàng, mỗi tổ gồm 2 nam, 1 nữ, để giúp đỡ nhau khi gặp địch phục kích.
Tổ tôi có anh Khoa, anh Hoa. Ba người chúng tôi đều cõng vải. Xuống hết dốc 300 đã tầm 11 giờ trưa. Chúng tôi thấy có mẩu giấy của tổ đi trước găm vào cái que cắm giữa đường, ghi: “Lính Mỹ ở đỉnh núi rút hết rồi. Tổ Khoa cứ vượt sông”. Ký tên Châu. Anh Khoa cầm mẩu giấy reo lên: “Ta được về đường chính tự do rồi!”.
Ba chúng tôi hăng hái đi, ra đến bờ sông, bẻ lá cắm vào gùi hàng để ngụy trang cẩn thận; vượt sông luôn buổi trưa. Mọi người đi ung dung, cười nói thoải mái. Vào đến chân Dốc Lách, nơi ngã ba suối cạn đổ xuống, chúng tôi tạm nghỉ nấu cơm ăn và giặt quần áo phơi. Anh Khoa, anh Hoa móc võng nằm. Tôi nấu nước chế bình đông. Có hai chiếc mo-ran quần trên đỉnh núi, lượn dọc theo suối cạn xuống. Tôi vội thu quần áo và gọi hai anh dậy. Lúc này khoảng hai giờ chiều.
Chúng tôi nhìn thấy khói từ phía suối cạn bay xuống, nghĩ là đồng bào dân tộc đốt rẫy. Bỗng máy bay sà thấp ngay trên đầu, tôi vội ném mấy que củi đang cháy xuống nước rồi đi ngay.
Vừa đi khoảng 50m, chiếc mo-ranh đột ngột nhào xuống, phóng một quả hỏa mù . Lập tức, bốn chiếc trực thăng chiến đấu UH-1A, hai chiếc tàu rọ , hai chiếc khu trục đến ngay. Hai chiếc khu trục ném bom chặn đầu từ phía bờ sông vào, bốn trực thăng, hai tàu rọ sà sát ngọn cây bắn rốc-két dọc theo con suối. Bộ binh địch từ suối cạn sục xuống. Thấy bếp chúng tôi còn than nóng, bọn lính Mỹ kêu : “Vi-xi! Vi- xi!” (Việt cộng! Việt cộng!). Nghe tiếng lính Mỹ gần quá, chúng tôi biết mình đã lọt vào ổ phục kích. Ai cũng thầm nghĩ, chỉ còn một phần sống, chín phần chết. Nhưng mọi người quyết tâm không để địch bắt sống, phải tìm cách vượt vòng vây. Lợi dụng các bụi cây, chúng tôi gùi hàng trườn từng bước một ngược lên phía dốc Lách. Ở đó có rẫy mì của đồng bào dân tộc, lau lách cao ngập đầu người. Những chiếc trực thăng quần sát ngọn lách. Nếu không có gùi vải trên lưng chắc chúng tôi sẽ bị cuốn theo gió. Tôi nhìn thấy rõ mặt những tên lính Mỹ mắt xanh mũi lõ, trên tay nhăm nhăm cây súng máy. Có lẽ, chúng phán đoán chúng tôi còn núp dưới suối nên tên nào cũng chú ý nhìn dưới suối. Thật khủng khiếp, máy bay địch thay nhau ném bom, phóng rốc-két, bắn xối xả như muốn cày nát, xới tung con suối. Đất đá bay mù mịt. Cây cối ngã ngổn ngang, mùi khét lợm.
Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi đã trườn lên khỏi bãi lách. Người nào cũng mệt phờ, thở hổn hển, khô rát cả mũi, miệng. Dù rất mệt nhưng không ai bỏ hàng. Thấy anh Hoa mệt quá, anh Khoa bảo anh Hoa ngồi khuất vào bụi cây nghỉ tạm. Anh Khoa và tôi rẽ vào bản đồng bào dân tộc cách đấy khoảng 50m để hỏi thăm tình hình và nhờ du kích chỉ đường. Nhưng vào đến nơi thì nhà đã cháy hết, tàn tro còn nóng. Dấu giầy đinh, tàn thuốc lá thơm của Mỹ để lại, chứng tỏ lính Mỹ mới đốt nhà rồi theo suối cạn đi xuống.
Không tìm được du kích, chúng tôi không biết đường đi tắt để tránh sân bay dã chiến của địch trên đỉnh núi, nằm trên đường về Xưởng may, đành chấp nhận đi theo đường mòn cũ. Anh Khoa nói: “Để tôi đi trước dò đường. Nghe tiếng súng nổ thì Hạnh và anh Hoa tìm cách trốn về báo đơn vị”. Giữa lúc đó, anh Hoa lên cơn sốt rét, toàn thân run lập cập, mặt tái nhợt, nói giọng yếu ớt: “Tôi không thể nào đi nổi nữa…”. Anh Hoa là tân binh mới ở miền Bắc vào, bổ sung cho Xưởng may. Anh rất gầy, bình thường cũng thấy anh không khỏe. Gặp lúc này, anh càng kiệt sức hơn.
Anh Hoa nằm thiếp đi trong cơn sốt, tôi ở lại chăm anh Hoa còn anh Khoa ôm súng đi dò đường.
Tôi thấy anh Hoa quá mệt, môi khô dộp, tím tái, hai hàm răng đánh vào nhau cồng cộc. Anh nằm ngửa dựa trên gùi hàng, hai chân buông thõng. Anh rên khe khẽ. Tôi lo anh không đi nổi, chợt nghĩ, phải bàn với anh Khoa dấu vải để dìu anh Hoa về, sau đó quay lại lấy hàng. Nhưng rồi tôi lại sợ bọn Mỹ tìm thấy hàng đốt đi thì uổng. Và tôi nhớ đến Ngọt. Tuần trước đang ở xưởng, chúng tôi nhận được thư Ngọt. Ngọt viết: “Ngọt chỉ có một bộ quần áo. Hôm nay đi lãnh quân trang với các anh, chưa đến xưởng may, Ngọt đã trượt ngã rách toạc rồi”. Anh Huấn cầm lá thư của Ngọt vào nói: “Nó đang ngồi khóc trong bụi. Bọn anh tra hỏi mãi nó mới nói”. Tôi vội lấy bộ quần áo mới nhận, xin phép ra thăm Ngọt. Ngọt kể: “Ngọt chỉ có một bộ quần áo, cứ chờ các anh ngủ, ra suối giặt phơi khô, mặc lại. Hôm nào trời mưa, giặt xong mặc quần áo ướt vào bếp ngồi hong”.
Nghĩ tới Ngọt và có lẽ cũng rất nhiều người còn đang thiếu thốn như Ngọt, lòng tôi thắt lại. Tôi gọi anh Hoa dậy, cho anh uống thuốc. Một lúc sau, thấy anh đã tỉnh táo hơn, tôi kể lại chuyện Ngọt cho anh Hoa nghe. Anh đồng lòng là không nên dấu hàng lại, anh uống thuốc rồi sẽ cố gắng đưa hàng về.
Anh Khoa dò đường làm dấu rồi quay lại dẫn tôi và anh Hoa đi thận trọng từng đoạn. Mãi đến xẩm tối, chúng tôi mới lên đến đỉnh núi. Ba anh em áp tai sát đất nghe ngóng. Thấy im ắng. Lúc này, máy bay cũng đã ngừng oanh tạc dưới suối.
Chúng tôi nhận định, có lẽ lính Mỹ tập trung lùng sục dưới suối. Nhưng bọn này sợ đụng độ với ta nên không dám đi đường mòn mà theo suối cạn xuống. Nói thế nhưng vẫn phải đề phòng, không được rọi đèn pin. Bởi có thể, chúng còn để lại một bộ phận thì sao?
Chúng tôi ngồi chừng 5 phút vẫn thấy im ắng. Lúc này, trời mưa nên đã tối lại tối hơn. Mỗi người cầm một cây gậy, chống đi, dò từng bước mà vẫn va vào những lon đồ hộp kêu loảng xoảng. Qua khỏi sân bay dã chiến, xuôi dọc suối. Trời mưa, nước suối nhiều, trượt ngã lia lịa. Ba anh em tôi phải níu tay nhau. Người này ngã, người kia níu, để bảo quản những gùi hàng trên lưng khỏi ướt. Gần khuya thì đến lối rẽ về làng Ông Nước.
Đường đi ven sườn núi. Phía trái cao, phía phải vực sâu, không cẩn thận rất dễ rơi xuống vực. Chúng tôi quyết định nghỉ lại. Thấy có hai cây mọc kẹt giữa những gộp đá, chúng tôi cột ba cái võng vào hai cây. Anh Khoa nằm võng dưới cùng, tôi nằm võng giữa, anh Hoa chân dài nằm võng trên. Nhưng đói và lạnh. Anh Hoa lại lên cơn sốt, anh run làm ba cái võng cũng rung, không sao ngủ được. Cả ba người đều thức. Thấy anh Hoa run quá mà chúng tôi không dám nhóm lửa, đành ngồi tựa lưng nhau, sưởi ấm cho nhau đến sáng.
Ai cũng đói lả đến kiệt sức nhưng xem hàng như vũ khí không thể bỏ lại. Anh Hoa đi liêu xiêu, vừa đi vừa rên rất tội nghiệp. Vì hàng là vải cây nên không thể sớt bớt cho anh được. Chúng tôi chỉ dìu, động viên anh, cuối cùng cũng về đến con suối gần Xưởng may. Tại đây, gặp đồng bào dân tộc, chúng tôi xin lửa nấu cơm.
Các chị, các anh Xưởng may làm cỏ mỳ trên rẫy, thấy dưới suối có khói, chạy xuống gọi: “Có phải bọn Khoa, Hạnh đó không?”. Nghe tiếng trả lời, các anh, các chị ùa xuống ôm lấy từng người, vừa khóc vừa nói: “ Sáng nay, xưởng đã nhờ du kích dẫn đường đi tìm các em rồi. Tổ anh Châu về báo: Các anh ấy nhìn nhầm. Bọn Mỹ đổi quân mà tưởng chúng rút vì không thấy máy bay hạ cánh, chỉ thấy máy bay cất cánh chở đầy lính. Tổ anh Châu qua khỏi sông, gặp du kích mới biết. Tình hình lúc ấy quá khẩn cấp, không thể quay lại báo cho các em được. Các anh ấy rất lo và ân hận, nghĩ là các em đã hy sinh cả rồi. Nếu mấy ngày nữa không tìm thấy xác các em thì cũng làm lễ truy điệu cho các em”.
Tất cả chúng tôi lại ôm nhau khóc vì quá mừng khi ba chúng tôi đã thoát chết trở về.
* * *
Chuyện cách đây đã 40 mươi năm mà mỗi khi nghĩ lại tôi nhớ như in. Hình ảnh anh Hoa trong cơn sốt vẫn gùi hàng đi liêu xiêu trong bom đạn. Anh đã cố gắng như vắt kiệt sức mình. Còn anh Khoa, mọi người thường gán là “công tử bột”, thế mà trong tình huống nguy cấp đã rất bình tĩnh và mạnh mẽ. Những lúc nhớ lại, tôi thường tự hỏi: Lúc ấy sức mạnh nào đã giúp chúng tôi vượt qua được khó khăn như thế. Có lẽ lúc ác liệt nhất, căng thẳng nhất, khi đã cận kề cái chết thì khí chất của người lính được khơi dậy, vươn lên, xứng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Nha Trang, tháng 10.7.2015
NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH