Canh chua lá giang thịt bò
Nhà có bụi lá giang má na từ trên quê xuống. Sân vườn phả xi măng hết, nên để kiếm chỗ cho cái bụi cây đậm màu ký ức, má vun một ụ đất lớn ở góc vườn. Mùa nắng, bụi lá giang xanh tốt, lá to và mỏng, vị chua thanh và thơm khác hẳn loại mua ngoài chợ.
Nhà cũng hay có sẵn thịt bò trong tủ lạnh, theo cái kiểu dân thành phố bận bịu muốn giảm thời gian chợ búa, đi chợ một bữa ăn mấy ngày.
Một thứ dân dã, một loại cao sang, nhưng “song kiếm hợp bích” thì có thể thành món canh chua đệ nhất trong một ngày hè nắng nóng lỡ buổi chợ mà lại thèm bất tử thứ gì đó chua chua, cốt chỉ để nuốt trôi cơm.
Mà cái món canh này nấu dễ cực kỳ, kiểu nào cũng xong. Bắc xoong nước lên bếp nấu sôi, cho thịt bò bằm (hay bò gân xắt nhỏ cũng được) đã ướp gia vị vào, nước sôi lại, quăng lá giang rửa sạch vò nát vô, nêm nếm lại cho vừa miệng. Trước khi nhắc nồi xuống bếp không quên để vào mớ hành ngò, rau răm, rau ngổ, lá lốt xắt nhỏ. Cách thức nấu một nồi canh lá giang thịt bò bây giờ cho ba má, chồng con, cũng y chang mười mấy năm về trước, cái thời chị em còn chia nhau buổi đi học buổi nấu cơm cho cả nhà, hay nấu kiểu này vì dễ nấu, dễ nêm. Nên vừa nấu canh vừa như thấy mình trong cuốn phim quay chậm của ký ức. Canh chín, dậy mùi thơm nức mũi cả căn bếp, chua dịu ngọt vị lá giang quyện lẫn vị thịt bò, chua một cách mộc mạc, dân dã, chua cả mùi lẫn vị.
Đó là nấu “cuội”, kiểu dân dã. Hoa mỹ hơn là cái kiểu phi thơm hành tỏi băm với dầu, cho lá giang rửa sạch vò nát vào tao lên, xong thì cho thịt bò bằm vào xào đến khi thịt chín thì đổ nước vào. Những công đoạn sau thì vẫn vậy: nêm nếm mắm muối bột ngọt, rau gia vị. Nấu kiểu này, nồi canh đẹp hơn, có lớp dầu trên mặt nồi, lá giang láng bóng, dù nước canh không chua bằng cách thứ nhất, nên muốn tìm vị chua đậm thì phải ăn một gắp lá giang.
Tưởng chỉ để đưa cơm mà không phải. Hao cơm mới đúng, ơ cái món canh chua tưởng chừng đơn giản này.
MINH KHƯƠNG