Đưa tin học đến với người khiếm thị
Lần đầu tiên, một khóa học tin học dành cho người khiếm thị được tổ chức trên địa bàn tỉnh, mở ra cánh cửa tiếp cận với kiến thức và thế giới rộng lớn bên ngoài.
Gần 3 tháng nay, 10 học viên khiếm thị vẫn đều đặn đến lớp tin học văn phòng tại trụ sở Hội Người mù tỉnh (37 Ngô Quyền, TP Quy Nhơn). Lúi cúi dò bàn phím, lắng tai để nghe thật rõ âm thanh phát ra từ phần mềm đọc màn hình là hình ảnh dễ thấy trong lớp học tin học của người mù. Với đôi mắt ở tay, họ háo hức, nhẫn nại vượt qua khó khăn ban đầu để học làm chủ máy tính. Cứ tưởng không nhìn thấy màn hình thì khó có thể học tin học, song có dịp trực tiếp tham gia lớp, chứng kiến sự nghiêm túc và cả niềm vui của từng cá nhân khi thực hiện thành công các thao tác lệnh, chúng tôi lại càng thêm tin rằng mọi sự nỗ lực đều đem lại những kết quả đáng trân trọng.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, 37 tuổi, giáo viên Trung tâm Hướng nghiệp và Công nghệ trợ giúp cho người mù Sao Mai (Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) - người trực tiếp đứng lớp, cũng là người khiếm thị - cho biết: “Dù đã có phần mềm đọc màn hình nhưng về cơ bản, người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với máy tính. Bởi, phần lớn chương trình hiện nay đều được viết bằng tiếng Anh và hầu hết học viên đều chưa một lần tiếp xúc với máy tính. Song, sự nỗ lực của tất cả các anh chị học viên là rất đáng ghi nhận”.
Vốn chịu nhiều thiệt thòi, nhất là về mặt đời sống tinh thần, người khiếm thị luôn khao khát tìm hiểu về cuộc sống rộng, thế giới kiến thức lớn. Khi nhận thức được tin học là chìa khóa giúp “hiện thực hóa” khao khát ấy, các học viên đều tự giác, chăm chỉ và say mê. Bước qua những khó khăn ban đầu như ghi nhớ vị trí của các phím, các từ khóa trong câu lệnh tiếng Anh..., đến nay, hầu hết các thành viên đã biết sử dụng các phần mềm cơ bản của tin học văn phòng như: tìm kiếm thông tin trên internet, truy cập các trang mạng, thao tác trên thư điện tử, soạn thảo văn bản…
Chị Dương Thị Hồng Dung, 46 tuổi, ở tổ 6, khu vực 1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn - một trong những học viên có nhiều tiến bộ - chia sẻ: “Từ lúc đi học tin học tại Tỉnh Hội, tôi được con gái để lại cho laptop cũ để luyện tập thêm. Niềm vui khi mình tìm thấy một nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe, tin tức đời sống hàng ngày, kiến thức bổ ích làm tôi thấy vui. Dù còn khá chậm trong thực hiện các thao tác, thế nhưng với một người chưa từng đụng vào máy tính như tôi thì kết quả này quá ý nghĩa. Cuộc sống của tôi phong phú hơn với những điều mới lạ mà tôi tìm kiếm được mỗi ngày nhờ vào tin học”.
Khoảng 10 ngày nữa là kết thúc khóa học tin học văn phòng dành cho người khiếm thị. Trước kết quả khả quan về sự tiến bộ của các thành viên lớp học, ông Huỳnh Bá Tuyết, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, phấn khởi tâm sự: “Trước đây, vi tính chỉ là giấc mơ đối với người khiếm thị. Nhưng hôm nay, một số người mù trong tỉnh đã có thể tiếp cận với máy tính, tự tra cứu để nâng cao trình độ, nhận thức của bản thân. Qua đây, Ban Thường vụ Tỉnh Hội cũng được nâng cao thêm kỹ năng tin học, hỗ trợ tốt cho công tác Hội. Đó là điều hết sức quý giá, niềm vui lớn với người khiếm thị Bình Định”.
Lớp tin học văn phòng cho người khiếm thị trên địa bàn tỉnh triển khai từ tháng 5 đến tháng 8.2015. Ðây là một tiểu dự án thuộc Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp người khuyết tật Bình Ðịnh, do Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua tổ chức Development Alternative Inc (DAI) và Hội Trợ giúp người khuyết tật tại Việt Nam (VNAH). Tổng kinh phí tài trợ cho lớp học hơn 320,5 triệu đồng; trong đó, ngoài hỗ trợ chi phí mở lớp, chi phí ăn, ở cho học viên, dự án còn tài trợ 5 laptop cho lớp học. Hội Người mù tỉnh dự kiến tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm để mở các lớp tin học cho người mù trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
NGUYỄN MUỘI