GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (sửa đổi)
Nên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có nhiều quy định mới quan trọng. Một trong những quy định mới nhất là quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Trước hết, cần hiểu rõ thuật ngữ pháp nhân (tổ chức) là dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân). Theo Điều 84 của Bộ luật Dân sự năm 2005, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: Được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó; nhân danh mình tham gia vào quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Pháp luật Hình sự hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân nên theo ý kiến cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì các lý do sau:
Thứ nhất, hành vi phạm tội không chỉ do cá nhân mà pháp nhân cũng gây ra. Có những hành vi mà cả cá nhân và pháp nhân đều xâm phạm như: tội buôn bán người, tội rửa tiền, tội khủng bố, tội độc quyền, tội cạnh tranh không lành mạnh, tội buôn lậu, tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Thậm chí, có tội chỉ do pháp nhân thực hiện, như tội phạm về môi trường. Vì vậy, nếu Bộ luật Hình sự chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân mà không truy cứu đối với pháp nhân là một thiếu sót lớn, bỏ lọt tội phạm, không thực hiện đúng nguyên tắc là mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, có ý kiến cho rằng trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đã có những quy định xử phạt đối với pháp nhân khi pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này không sai, nhưng thực tế cho thấy các quy định về xử phạt VPHC đối với pháp nhân còn có các bất cập và bất hợp lý, bởi các lý do sau: vì mức phạt VPHC chưa đủ sức răn đe nên các pháp nhân vẫn có xu hướng tiếp tục vi phạm; giám đốc (người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hành động nhân danh pháp nhân) vì lợi ích của pháp nhân mà phải chịu trách nhiệm hình sự là không công bằng. Mặt khác, hiện thủ tục xử phạt VPHC còn mang tính áp đặt, thiếu dân chủ. Bị phạt nặng (tối đa là 2 tỉ đồng) nhưng pháp nhân không được tham gia tranh luận, tranh tụng như trong thủ tục tư pháp. Do vậy, việc xử phạt VPHC không thể so sánh được với việc xử lý bằng thủ tục tố tụng tư pháp có tính chuyên nghiệp, khách quan, chặt chẽ, dân chủ.
Thứ ba, trong điều kiện hội nhập quốc tế, nước ta đã tham gia công ước chống tội phạm có tổ chức, nếu chỉ dừng lại ở việc xử phạt VPHC thì một số hành vi mà công ước quốc tế quy định áp dụng đối với tổ chức sẽ không có cơ sở pháp luật để xử lý. Vì vậy, quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chính là hành động thực hiện cam kết quốc tế với tư cách Việt Nam là thành viên của công ước chống tội phạm có tổ chức.
Thứ tư, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ giúp nhân dân rất nhiều trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bởi vì án phí kiện pháp nhân lớn (thậm chí rất lớn) và nhân dân gặp khó khăn trong việc chứng minh tội phạm của pháp nhân và càng khó khăn hơn khi phải chứng minh thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nếu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, thì các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự sẽ làm rõ, chứng minh điều này. Việc xử lý hình sự sẽ giúp ích nhiều cho việc giải quyết vấn đề trách nhiệm của người dân.
Thạc sĩ Luật Nguyễn Quốc Khánh