Nghĩ về Công an nhân dân
Ngày 19.8.2015, kỷ niệm 70 năm Ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2.9 và Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Đây là dịp để mọi người nghĩ về Công an - lực lượng đã và đang nỗ lực phấn đấu quên mình bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, đồng thời cũng nên đặt ra cho Công an những yêu cầu chính đáng trong công tác, chiến đấu cũng như xây dựng lực lượng. Tôi nghĩ, Công an là một trong những ngành vất vả, gian khổ và nguy hiểm nhất. Không thể tính được Công an làm bao nhiêu việc vì Tổ quốc, vì sự bình yên của cuộc sống nhưng điều mà mọi người có thể biết được, đó là trong chiến tranh bên cạnh mặt trận ác liệt đạn nổ, bom rơi, Công an còn có mặt trận khác, thầm lặng nhưng vô cùng nguy hiểm, cái chết luôn lơ lửng trên đầu và chỉ cần một giây mất cảnh giác để địch phát hiện thì mạng sống cũng không còn. Có những chiến công hiển hách trên mặt trận không tiếng súng đến nay vẫn chưa được công khai. Trong hòa bình, Công an tiếp tục đối diện trước bao gian khó, hiểm nguy với kẻ thù trước mặt, kẻ thù sau lưng, kẻ thù vô hình, kẻ thù hữu hình, kẻ thù là cả một âm mưu nhưng kẻ thù cũng chỉ là một thói hư tật xấu. Trong cuộc chiến đấu vừa bí mật vừa công khai, vừa âm thầm vừa quyết liệt đó, cái chết của người chiến sĩ công an không chỉ đến từ viên đạn chì mà còn từ những “viên đạn bọc đường”. Công an là bạn của dân! Công an vì Đảng vì dân tận tâm, tận tụy phục vụ. Dân tin Công an, thương yêu Công an và sẵn lòng giúp đỡ Công an. Đảng, nhân dân và lãnh đạo ngành Công an tha thiết mong muốn hình ảnh đó không chỉ có ở câu chữ mà thật sự hiển hiện trong cuộc sống mỗi ngày. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều huấn thị đối với lực lượng Công an, trong đó Sáu điều dạy Công an nhân dân với nội hàm về bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, truyền thống văn hóa dân tộc, trình độ nghiệp vụ chuyên ngành, quan điểm địch ta vô cùng sâu sắc. Điều dạy thứ tư: “Đối với nhân dân, phải kính trọng- lễ phép” không chỉ là truyền thống về đạo đức mà còn là văn hóa giao tiếp mà người công an cách mạng phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc. Được Công an kính trọng, lễ phép, khi cần bảo vệ được Công an phục vụ tận tình chu đáo… nhân dân ai cũng sẽ yêu quý Công an. Mối quan hệ gắn bó có tính sống còn đó từng cán bộ chiến sĩ Công an phải thật sự trăn trở, gìn giữ.
Hiện nay, trong Công an hiện tượng gây khó khăn để vòi vĩnh vật chất, công việc lẽ ra phải làm nhưng khi làm lại nghĩ đến cái lợi được hưởng từ công việc đó vẫn chưa hết. Bên cạnh nhiều cán bộ chiến sĩ Công an trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân sẵn sàng chấp nhận hy sinh thì cũng còn có người lánh nặng tìm nhẹ, muốn công tác ở những đơn vị có lợi từ công việc được giao. Hiện tượng đó tuy rải rác nhưng nó bào mòn lòng tin của nhân dân đối với Công an, làm rạn nứt mối quan hệ quân dân mà các lớp cha anh bao năm qua đã cố công dựng xây, bồi đắp.
Công an cũng có vui có buồn, có nhu cầu hưởng thụ vật chất và tinh thần như bao người khác. Nhưng Công an khác mọi người ở chỗ được giao nhiều quyền hành và nhiệm vụ rất nặng nề. Cái tốt, cái xấu bộc lộ từ sự khác nhau đó. Ngành nào cũng có tiêu cực nhưng ngành Công an dễ tiêu cực và tiêu cực ở ngành Công an tai hại gấp nhiều lần. Đó là một lẽ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng lực lượng Công an trong sạch vững mạnh về mọi mặt. Yêu cầu của sự trong sạch vững mạnh đó là, có phẩm chất chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước XHCN; có lối sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh với cái ác, ra sức bảo vệ cái thiện. Phải có năng lực trí tuệ, lòng nhiệt tình. Tội phạm trong thời kỳ công nghệ và mang tính toàn cầu thì bên cạnh nghiệp vụ chuyên ngành, kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm Công an cần phải có tri thức về khoa học- kỹ thuật. Phá án nhanh đáng được khen nhưng nắm chắc tình hình, kịp thời ngăn chặn đối tượng hành động, không để tội phạm xảy ra đáng được khen hơn. Vậy, Công an biết phải làm gì để giữ vững niềm tin của Đảng, để nhân dân thương yêu, đùm bọc. Trong chiến tranh có “Bộ đội cụ Hồ”, trong hòa bình cần có “Công an cụ Hồ”.
Để được như vậy, Công an phải luôn rèn luyện, phải luôn trau dồi, phải luôn học tập. Ra sức học tập, thực hiện Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân; học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng tấm lòng kính yêu, cầu tiến và học ở cuộc sống những điều tốt đẹp sẽ giúp mỗi cán bộ chiến sĩ lột bỏ những vị kỷ, những bê tha, những yếu kém để trưởng thành.
Mỗi cán bộ chiến sĩ công an phải thuộc nằm lòng và đồng thời phải hết mình với khẩu hiệu: “Công an của dân, Công an vì dân”; “Công an cụ Hồ” bắt đầu từ nhận thức và hành động như vậy.
Đảng, Nhà nước quan tâm trong công tác lãnh đạo, xây dựng lực lượng Công an. Nhân dân luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ Công an. Mong sao Công an không phụ lòng tin yêu đó.
Mai Linh Giang