Chiếc khăn mùi xoa
* Truyện ngắn của Hương Văn
Đầu giờ chiều, bà Cúc vẫn ngồi như thừa trước cái ti vi màn hình phẳng to tướng trước mặt. Phim tình cảm, ca nhạc trẻ, quảng cáo... thi nhau phát trên các kênh. Bà muốn được xem hát bội, hát cải lương, các ca khúc về cách mạng... mà bật mãi chưa tìm được kênh. Chán quá, bà cất tiếng gọi:
- Thanh, Vinh ơi ! Các con vô bà nhờ chút…
Tiếng í éo của bọn trẻ, tiếng quạt máy vù vù, tiếng ti vi đang phát... át hẳn tiếng gọi của bà. Giọng của bà không đủ vọng ra ngoài cánh cửa sắt đang khép hờ tránh nắng. Thôi khỏi trông chờ các cháu…, bà mệt mỏi nhỏm dậy, tắt ti vi, tìm nước uống rồi húng hắng ho, bước vào giường nằm.
Bà không vào giường thì cũng chẳng biết đi đâu ngoài loanh quanh những căn phòng im ắng. Ra phố một mình không rõ đường chẳng biết bị lạc lúc nào. Bọn trẻ thì chỉ quanh bà được một lúc là lại chạy biến. Muốn làm gì đấy cho phai lãng, nhưng bà đã không thể tìm được việc gì cho ra chuyện. Nhà cửa lúc nào cũng tươm tất, chẳng cần quét dọn. Con dâu lại chưa đi chợ, bà chả biết nấu gì. Bà nằm, thở dài, càng muốn thời gian trôi nhanh thì nó lại đi thật chậm. Bà vắt tay lên trán, nhớ ông!
Không phải bỗng dưng bà nhớ, mà ngay từ lúc bước chân lên đây là bà đã nôn nao trong dạ rồi. Bà cứ tưởng, khi bà gấp quần áo để hù đi chơi nhà con trai là ông sẽ quay vào mà năn nỉ, van vỉ bà. Rõ ràng là ông đã sai, sai rành rành mà không biết lỗi phải. Vậy hỏi làm sao bà không giận? Nhưng tại sao khi bà theo con lên xe, ông vẫn lặng thinh… ?
** *
Ngọn nguồn là từ hôm kia. Ông đang ngồi đọc báo thì tiếng chó sủa vang ngoài cổng. Ông bạn cựu chiến binh sang chơi. Ai cũng mừng rơn! Bà lục đục pha ấm trà ngon, bưng lên với một nải chuối chín vàng. Hai người đàn ông hàn huyên đến sẩm tối. Khách đứng dậy vỗ vào vai ông, giọng sang sảng:
- Lễ 27 tháng 7 năm nay anh em mình nhớ đi đông đủ, có cả cô Chung về dự đấy!
Ông ngớ ra:
- Chung nào nhỉ?
- Cái cô hồi xưa đưa ông chiếc khăn mùi xoa ấy...
Ông “à à…” rồi tiễn khách ra tận cổng, vẻ khoan thai.
Nhưng chân chưa kịp bước lên bậc thềm ông đã bắt gặp khuôn mặt thũng thịu của bà:
- Thì ra xưa nay ông không thực lòng...
Quái lạ! Bà này hôm nay lại trở chứng gì thế? Hơn bốn mươi năm nay, ông có gì không phải với bà, sao bà lại nói thế?
Không để ông mở lời, bà tất tả đi lục lọi một lát. Tay bà run run chìa ra chiếc khăn mùi xoa màu hồng còn rất thơm tho, mắt bà ngân ngấn nước:
- Chữ C này không phải là tên tôi, mà là cô Chung cô chẹc gì thêu lồng vào tên ông, rõ quá thế này mà. Trời đất! Vậy là mấy chục năm qua ông phỉnh tôi.
Chiều tà như kéo thêm mây tới, mặt ông tối sầm. Chiếc khăn bà đang cầm trên tay là kỷ vật thiêng liêng đã luôn theo tình yêu chung thủy của hai người suốt bấy nhiêu năm... Sao bà nỡ tâm thốt ra những câu đau lòng quá...
Nhìn chiếc khăn, cả hai đều lặng lẽ. Quá khứ một thời bỗng kéo nhau ùa về.
***
Hơn bốn mươi năm trước.
Đêm trăng thanh, gió mát. Đêm hiếm hoi vắng tiếng đạn bom. Hai mẹ con đang tát nước ruộng, bỗng từ phía mương chồm lên bóng một người. Mẹ con tá hỏa, nhưng nhận ra anh du kích, họ kịp định thần. Nụ cười lấp lóa ánh trăng. Hiểu lòng con trẻ với những phút giây ngắn ngủi, mẹ về trước. Thả tay gàu, chị cùng anh ngồi bên cạnh khóm dứa dại. Tay chị vân vê tà áo, anh thủ thỉ:
- Sau đợt đánh này, mình cưới nhau, em nhé!.
Cô bẽn lẽn. Chiến tranh mà, ai biết trước được gì đâu...
Cô vừa kịp ngoảnh đầu lên, anh lại mang súng nhanh chân qua con mương đi khuất.
Quả thật, lời cầu hôn vội trong đêm ấy mãi hơn ba năm sau mới thực hiện được. Cuộc chiến mỗi lúc một cam go hơn và chiến trường miền Nam cần viện trợ sức người, sức của nhiều hơn. Anh chuyển đơn vị, tham gia vào đội thanh niên xung phong, lái xe vận tải trên tuyến đường Trường Sơn. Đó là năm 1972.
Chiến tranh, bom đạn trên tuyến đường khốc liệt ấy luôn rình rập người lính từng giờ, từng phút. Gió bụi đầy người, mặt lấm lem lấm luốc vì máy xe hỏng, vật vã với những lỗ bom chưa được san lấp kỹ... trái tim người lính không còn nghĩ gì khác ngoài miền Nam ruột thịt.
Một hôm đoàn xe đang dừng nghỉ, tiểu đội anh gặp được tổ nữ trinh sát mặt đường. Đội trưởng là chị Bảo, một nữ sinh thành phố đã lên đây được bốn năm. Chị trêu đứa nào có người yêu rồi chị sẽ thêu tặng một chiếc khăn tay. Anh thật thà nhờ chị thêu một chiếc, lồng hai chữ C - H vào trái tim. Ai cũng nhìn về hướng một cô gái và cười ồ. Tuổi trẻ họ hay đùa vì biết chắc C không phải là cô Chung đang ngồi đấy.
Hơn một tháng sau. Xe anh đang đi qua đám khói bỗng thấy cô gái mặc áo xanh, đứng vẫy tay. Cô Chung nói nhanh: “Chị Bảo nhờ em đưa khăn cho anh đây”. Đưa khăn xong cô bước đi còn nhanh hơn lời nói.
Những chiến dịch thắng lợi vẻ vang. Hòa bình. Với người lính, không niềm hạnh phúc nào hơn là được đoàn tụ. Anh từ đơn vị về với thương binh hạng 4, chị còn đợi. Quà tặng chị trong ngày cưới là chiếc khăn tay anh mang bên mình suốt một thời chinh chiến.
Lời nói của người bạn khiến cả đêm ông phải phân trần, nhưng vô ích. Bà cứ làm lớn chuyện. Vì bà chẳng hiểu chiến trường bằng ông. Thôi, vài ngày nữa họp mặt, ông sẽ mời đông đủ mọi người về nói chuyện cho rõ ngọn ngành.
Tiếng gà ò o gáy sáng. Mọi khi, bà vẫn dậy trước, rón rén vén mùng đánh thức ông. Nhưng hôm nay thì khác hẳn. Ông phải dậy trước lúi húi một mình, cố làm bữa sáng cho thật ngon. Xong, ông lấy hai quả trứng gà đánh riêng một tô cháo trứng.
Cháo đã hết bốc hơi. Ông ngồi đợi chưa ăn, lại lăng xăng chạy vào. Bà đã đổi tư thế nằm nhưng vẫn không hé mắt. Ông đưa tay thọc lét, bà giãy nảy, bật dậy, lùng bùng đi rửa mặt.
Ông bưng tô cháo đi theo, cố làm bà cười:
- Hai con gà mới được một tô, bà ăn đi...
Bà gắt:
- Cháo trứng nguội ngắt, sao ăn?
Giữa họ đang có chiến tranh. Một cuộc chiến không súng đạn, không tiếng gầm rú máy bay nhưng thật nặng nề…
Gần trưa hôm ấy, anh con trai về. Năm nào cũng thế, gần đến 27 tháng 7 là anh lại thu xếp về.
Thấy con, bà vẫn tươi cười như không có chuyện gì xảy ra. Nắm tay con, nhưng bà lại liếc xéo về phía ông:
- Giỏi nhỉ? Mày về lại không dẫn đứa nào theo, mai mày cho má lên đấy thăm hai đứa...
- Má! Vài ngày nữa là cúng ngoại rồi, lại là ngày của ba. Sao má....
- Ờ! Lên đấy có gì là lạ, má biểu con Hiền dẫn má đi mua, sắm lễ càng tốt chớ sao?
Sáng sớm hôm sau, anh dặn bố có sẵn mấy loại thực phẩm ngon vừa mang về cất trong tủ lạnh. Hai má con lục tục đi.
Chiều nay. Bà Cúc vẫn nằm mơ mơ trong phòng. Phải mà giờ này được ở nhà mình ông đã nhờ bà nhổ râu, hoặc cùng nhau tưới mấy luống rau trong vườn...
Nghe có tiếng cô con dâu. Bà nhỏm dậy. Tay cô xách một túi nilon lớn, chứa các hộp thức ăn làm sẵn. Hai đứa nhỏ thấy bố mẹ về, reo lên:
- A! Hôm nay nhà mình lại được ăn cơm sườn nướng.
Thấy con cháu xúm xít bên mâm cơm, bà nghẹn quá không sao nuốt được. Cơm khô rạc khô rời, canh lều phều vài lát khổ qua, thịt nướng toàn vị đường, ngọt quá... Bà mà nấu thế này, ông chê phải biết... Nhưng giờ thì phải cố tỏ ra khen ngon. Bà sợ nhất làm mất lòng con dâu.
Đêm nay là đêm cuối tuần. Anh con trai tất bật đón khách. Bắt đầu rôm rả, những chiếc li cụng nhau lích kích. Cô vợ có dịp khoe với các “bà xã” về chiếc đầm mới mua. Hai đứa cháu đã ngủ khì. Bà vẫn nằm và nằm, tủi thân quá đỗi. Định đi ra nhưng không biết nói năng gì với bọn trẻ, lại thôi. Đúng là với bà, một ngày qua dài hơn cả thế kỷ.
Có chuông điện thoại reo. Bà mở to mắt, hồi hộp đợi. Chắc chắn là ông gọi rồi... Một lát, anh con trai đi vào, bảo với bà:
- Bộ quần áo thanh niên xung phong của ba bị sổ chỉ, ba nhắn má mai về đem đi may lại, để kịp ngày ba dự lễ.
Cơn giận mấy ngày nay của bà biến đâu mất. Nhưng còn lai lịch chiếc khăn? Thế nào bà cũng phải làm cho ra nhẽ. Thôi, dịp lễ này bà cứ lo cho ông chỉn chu đã, đằng nào cũng mời các anh chị ấy vào nhà. Mà bà cũng đâu có biết cô Chung cô chẹc ngày đó là ai và ở tận đâu đâu. Thật rõ là...
H.V