Vân Canh: Có cầu nhưng chưa thể đi
Do chưa đền bù và làm đường dẫn, nên mặc dù cầu Sở Quảng Du (bắc qua sông Hà Thanh, thuộc địa bàn thôn 4, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) đã xây dựng xong và tiếng là đã đưa vào sử dụng hơn 2 tháng nay nhưng các loại ô tô chưa thể qua cây cầu có tải trọng 13 tấn này.
Khoảng tháng 3.2013, UBND huyện Vân Canh bàn giao cầu Sở Quảng Du cho UBND xã Canh Hiệp quản lý, sử dụng. Cầu bắc qua sông Hà Thanh, nối tỉnh lộ 638 với khu đất có tục danh Sở Quảng Du (thuộc thôn 4, xã Canh Hiệp). Cây cầu có chiều dài 122,7 m, chiều rộng trung bình 5,5 m (nhịp tránh xe rộng 6m), tải trọng 13 tấn, tổng kinh phí xây dựng khoảng 5 tỉ đồng.
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cây cầu này chỉ có người đi bộ và trâu bò qua lại; ô tô các loại từ núi Hòn Giang ra tỉnh lộ 638 vẫn phải đi dưới lòng sông Hà Thanh như khi chưa có cầu. Chuyện tréo ngoe này bắt đầu từ việc, khi lập dự án làm cầu có vẻ như cơ quan chức năng chỉ nghĩ đến cây cầu, không nghĩ đến đường dẫn vào cầu. Có như thế thì mới không tổ chức thu hồi đất sản xuất để làm đường dẫn. Bởi vậy, những hộ dân đang giữ quyền sử dụng những thửa đất đã rào chắn lối đi.
Một chủ rừng keo tại khu vực núi Hòn Giang (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Từ lúc biết chủ trương Nhà nước sẽ xây dựng cầu Sở Quảng Du chúng tôi đã rất mừng. Có cầu, việc vận chuyển gỗ keo, bạch đàn từ núi Hòn Giang ra tỉnh lộ 638 thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đến nay cây cầu vẫn chưa phát huy hết tác dụng do chưa có đường dẫn vào cầu, khu vực này hiện vẫn còn đất sản xuất nông nghiệp của dân”. Oái ăm thay, cầu mới chưa dùng được thì gần đây, một hộ dân cho rằng sông bây giờ đã có cầu, nên họ rào chắn con đường trước kia xe vẫn đi (đường đi băng qua sông Hà Thanh - PV), khiến những hộ đang khai thác keo ở khu vực núi Hòn Giang không thể chuyên chở gỗ ra tỉnh lộ 638.
Người rào chắn tuyến đường là ông Đinh Công Cường (trú thôn 4, xã Canh Hiệp). Ông Cường cho rằng việc xe chở gỗ qua đây làm ảnh hưởng đến việc sản xuất keo giống của gia đình ông. Người nào muốn vận chuyển gỗ đi qua đường cũ phải đóng “phí đường” - 2 triệu đồng/hộ trồng rừng cho gia đình ông. Do không còn đường nào khác để đi, trong khi lượng gỗ keo, bạch đàn đã khai thác không thể để lâu, nên một số hộ trồng rừng đành “bấm bụng” nộp tiền cho ông Cường.
Khi chúng tôi đem sự việc trao đổi, ông Đặng Văn Sính, cán bộ Văn phòng UBND xã Canh Hiệp, cho biết: “Xã đã yêu cầu ông Cường tháo dỡ rào chắn đường và ông Cường đã chấp hành. Còn về việc cầu Sở Quảng Du xây dựng xong nhưng xe cộ chưa qua lại được là do mục đích xây dựng cầu này là để phục vụ khu dân cư tại khu vực Sở Quảng Du sẽ được hình thành trong thời gian tới (!?). Nguyên trước kia, tiếp giáp với cầu Sở Quảng Du có đường dân sinh dẫn lên núi Hòn Giang, nhưng trong quá trình canh tác, một số hộ dân phá bỏ một đoạn của con đường này nên mới có tình trạng “cầu cụt” như hiện nay”.
Thiết nghĩ, trước khi khu dân cư tại khu vực Sở Quảng Du được hình thành, UBND huyện Vân Canh nên xem xét mở đường dẫn vào cầu Sở Quảng Du để phát huy giá trị cây cầu có trọng tải 13 tấn này. Sẽ rất lãng phí khi cầu thì có đó mà ô tô phải lội sông mà đi.
VĂN LỰC