Nhiều người dân lấn chiếm đê khu Ðông xây nhà trái phép: Cần ngăn chặn, xử lý kịp thời
Thời gian qua, tình trạng người dân ngang nhiên lấn chiếm đất đai, mặt nước trong chỉ giới hành lang đê khu Ðông và đầm Thị Nại để đổ nền, đúc móng xây nhà trái phép trên địa bàn 3 thôn Vinh Quang 2, Lộc Thượng và Dương Thiện (xã Phước Sơn, Tuy Phước) có chiều hướng gia tăng. Song việc kiểm tra và xử lý tình trạng này của chính quyền địa phương lại khá chậm chạp, thiếu hiệu quả, khiến dư luận bất bình.
Mạnh ai nấy chiếm
Theo UBND xã Phước Sơn, trong vòng 10 năm qua, toàn xã có hơn 200 hộ dân xây dựng nhà trái phép trong khu vực thuộc chỉ giới hành lang đê khu Đông và mặt nước đầm Thị Nại. Tất cả những ngôi nhà này đều xây trên nền đất lấn chiếm. “Ban đầu các hộ dân lấn chiếm đất làm hồ nuôi cá; sau lén lút bơm cát xây móng, làm nhà chồ, nhà rầm; thấy có vẻ yên ổn, họ tiếp tục mua gạch về xây nhà kiên cố. Địa phương đã nắm được vấn đề này từ lâu và đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý; trung bình hằng năm, xã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ từ 7-10 ngôi nhà xây dựng trái phép như thế này. Thế nhưng, ngăn chặn chỗ này thì chỗ khác dựng lên, xử lý không xuể!” - ông Nguyễn Minh Phương, cán bộ địa chính xã Phước Sơn, cho biết.
Một ngày đầu tháng 8 đi đến xóm 19, thôn Vinh Quang 2, PV Báo Bình Định thấy có 2 hộ dân ngang nhiên vận hành máy nổ hút cát dưới đầm Thị Nại đắp, nâng nền làm nhà; hoạt động này diễn ra công khai, nhưng không có sự ngăn cản nào từ phía ngành chức năng ở địa phương. Quan ngại hơn, tình hình sử dụng đất sai quy định để xây dựng nhà ở tại khu vực này đang ngày càng tăng với xu hướng lấn rộng ra mặt đầm Thị Nại.
Chỉ tay về xóm 19, thôn Vinh Quang 2, một hộ dân ở địa phương, cho biết: “Việc người dân xây nhà trái phép ở khu vực mặt nước đầm Thị Nại có phần buông lỏng quản lý từ chính quyền xã. Thời gian đầu, có một số hộ lấn chiếm xây dựng nhà cửa trên đê nhưng chẳng thấy ai nói năng gì nên cứ thế họ làm. Hộ này làm được, hộ kia cũng làm được. Hơn nữa, cuộc sống người dân nơi đây lâu nay luôn gắn liền với nghiệp mưu sinh trên đầm; đất đai không có, con cái ngày một đông nên họ làm liều. Tôi nghĩ, nếu chính quyền cương quyết ngay từ đầu, thì không có hộ dân nào dám làm điều sai này hết!”.
Địa phương chưa quyết liệt xử lý
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho rằng: “Địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề sử dụng đất. Đất được sử dụng phải đúng mục đích, đúng pháp luật và được ngành chức năng phê duyệt. Tuy nhiên, do nhu cầu thiết yếu về đời sống gắn liền với nghề nghiệp mưu sinh nên bà con bất chấp làm liều; hiện vẫn có hộ lén lút hút cát, đổ nền xây cất nhà trái phép… Xã gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các trường hợp này”.
Còn ông Nguyễn Minh Phương, cán bộ địa chính xã Phước Sơn, khẳng định: “Tất cả các hộ xây, cất nhà trên nền đất lấn chiếm sẽ không được cấp sổ đỏ hoặc hỗ trợ, đền bù. Đây là vấn nạn mà địa phương đang đau đầu. Nếu tổ chức cưỡng chế tháo dỡ thì cũng tội người ta. Bởi để hình thành một ngôi nhà kiểu như vậy, chủ nhà cũng mất khoảng 200-300 triệu đồng!”.
Theo dư luận, chính quyền địa phương trực tiếp là Ban nhân dân thôn và UBND xã Phước Sơn đã không làm tròn trách nhiệm, để người lấn chiếm đất trái phép. Việc chần chừ sẽ tạo tiền lệ xấu cho người khác tiếp tục vi phạm. Việc lấn chiếm, xâm phạm đê điều, không gian mặt nước đầm Thị Nại còn ảnh hưởng đến sự an nguy của hàng ngàn hộ dân. Nên chăng, ngành chức năng, chính quyền các cấp cần có sự phối hợp, tổng rà soát và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, trả lại không gian cho công trình đê điều, mặt nước đầm Thị Nại và răn đe những trường hợp có ý định vi phạm.
TRỌNG LỢI