“Vui sao nước mắt lại trào”
Sáng 16.8, tại huyện Hoài Ân, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sư đoàn 3 - Sao Vàng và Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 3 - Sao Vàng tại Bình Định đã tổ chức gặp mặt truyền thống kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (2.9.1965 - 2.9.2015). Tại đây, những CCB đã cùng nhau ôn lại những thời khắc sinh tử không bao giờ quên với những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm thắm thiết. Và, họ rưng rưng nhớ về những đồng đội đã hy sinh.
Đến dự lễ gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Trung tướng Nguyễn Như Hoạt, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 - Sao Vàng, Trưởng Ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng; Đại tá Hà Quang Vinh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 - Sao Vàng và hơn 500 CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Về Bình Định như về nhà mình
Trong kế hoạch chỉ mời 300 CCB nhưng tại buổi gặp mặt có hơn 500 CCB đến dự nên Hội trường Trung tâm văn hóa huyện Hoài Ân không còn một chỗ trống, phải kê thêm ghế. Các CCB nói rằng, về Bình Định như về nhà mình nên không cần mời cũng đến. Đến để thắp hương cho đồng đội. Đến để gặp lại đồng đội cũ. Đến để cảm ơn những người dân Bình Định một thời giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn.
Trung tá Vũ Văn Loan (73 tuổi, quê ở Thái Bình), Trưởng Ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng tỉnh Thái Bình, từng tham gia chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 3 tại chiến trường Bình Định từ năm 1966 đến năm 1970, xúc động nói: “Đây là lần thứ 5 tôi trở lại thăm chiến trường xưa nhưng lần nào cũng đầy cảm xúc vì được gặp lại đồng đội cũ, thắp hương cho đồng đội, đồng chí đã hy sinh, đi thăm các gia đình người dân đã cưu mang, giúp đỡ chúng tôi trong quá trình chiến đấu”. Ông còn bảo, trong thời gian chiến đấu ở Bình Định đã 5 lần bị thương, nếu không được người dân giúp đỡ thuốc men, chia cho từng lon gạo để nấu cháo thì chắc giờ này đã không còn đến dự buổi gặp mặt.
Đang say sưa kể chuyện bỗng giọng chùng xuống, nước mắt rơi trên gương mặt người lính già. Nhiều đồng đội của ông, trong đó có người em họ là liệt sĩ Hoàng Văn Nhuần hy sinh năm 1969 tại Hoài Ân hiện vẫn chưa tìm ra hài cốt. “Những kỷ niệm mà người dân Bình Định giúp đỡ chúng tôi thì rất nhiều, nhưng ấn tượng nhất là trường hợp má Xuân ở thôn Trường Xuân (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) đã dành vải của mình nhường cho anh em chúng tôi may quần áo. Giờ tôi còn giữ chiếc áo ấy làm kỷ niệm”, ông Loan thổ lộ.
Thượng tá Nguyễn Quang Luân (67 tuổi, Trưởng Ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng tỉnh Quảng Ninh), tham gia chiến đấu trong Trung đoàn 12 (còn gọi là Trung đoàn Tây Sơn), Sư đoàn 3 - Sao Vàng từ năm 1966 đến năm 1970, tâm sự, trong đời binh ngũ ông tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường nhưng không có chiến trường nào ác liệt, gian khổ như ở Bình Định. Dù vậy tình cảm gắn bó keo sơn, thủy chung, nghĩa tình trong chiến đấu của quân và dân Hoài Ân nói riêng và Bình Định nói chung đã trở thành tài sản vô giá trong cán bộ, chiến sĩ Sư đòan 3 - Sao Vàng; vì nếu không có người dân che chở thì sự hy sinh, mất mát còn hơn nữa. Ông khảng khái: “Dịp này, tôi sẽ về Tuy Phước tìm một người dân mà lúc đó chúng tôi hay gọi là chị Hường. Chị ấy đã mua từng viên thuốc, lương thực, rồi gan dạ đưa vào tiếp tế cho đơn vị khi ấy đang bị địch bao vây nhiều ngày trong một trận đánh ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) vào tháng 3.1968”.
Vượt cả ngàn cây số, thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạ (65 tuổi, ở Hà Nội), nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 141 (còn gọi Trung đoàn Hoài Ân), lần đầu tiên về thăm lại chiến trường xưa. Chứng kiến các địa điểm - nơi đơn vị ông từng chiến đấu - nay được xây dựng thành khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, ông bồi hồi: “Nhiều đồng đội cũ, sau bốn mươi, năm mươi năm xa cách giờ gặp lại ai cũng xúc động đến rơi nước mắt”.
Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt, Trưởng Ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng, cho hay: Trở về với đời thường, các CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng vẫn luôn giữ vững bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Sư đoàn, vượt qua mọi khó khăn, tích cực cùng địa phương xây dựng, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Nhiều đồng chí tham gia cấp ủy, chính quyền hoặc các đoàn thể chính trị - xã hội.
Những năm qua, 25 Ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 trong cả nước thường xuyên giữ mối liên hệ với nhau, với Sư đoàn và với các địa phương nơi Sư đoàn đã chiến đấu, công tác. Các Ban liên lạc hoạt động nền nếp, có hiệu quả; phối hợp tích cực với địa phương và gia đình các CCB trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, giúp đỡ đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống.
Theo đại tá Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng Ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng tại Bình Định, CBB Sư đoàn 3 - Sao Vàng còn sống tại Bình Định có trên 1.200 đồng chí, trong đó có 365 đồng chí là nữ và được tập hợp lại hoạt động trong các Ban liên lạc truyền thống ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Các Ban liên lạc thường xuyên tổ chức gặp mặt truyền thống, thăm chiến trường xưa, đóng góp xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử, động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Dù cuộc sống của nhiều CCB còn khó khăn và nhiều CCB đã lớn tuổi nhưng họ luôn phát huy truyền thống của Sư đoàn, là những CCB gương mẫu, đi đầu trong các trong trào ở mỗi địa phương.
Ðược sinh ra trên quê hương Bình Ðịnh, mảnh đất mang truyền thống “Thượng võ và quật khởi”, gần 10 năm vừa xây dựng vừa chiến đấu, những chiến công của Sư đoàn 3 - Sao Vàng luôn gắn liền với những chiến công của quân và dân Bình Ðịnh. Bình Ðịnh là chiếc nôi ra đời, là nơi chi viện sức người, sức của, nuôi dưỡng cho Sư đoàn từng bước trưởng thành và lớn mạnh. Giữa Sư đoàn 3 và quân dân Bình Ðịnh có mối quan hệ thiêng liêng, máu thịt...
Trong buổi gặp mặt thiêng liêng và đầm ấm này, chúng ta kính cẩn nghiêng mình và mãi mãi biết ơn các anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 và quân, dân Bình Ðịnh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự trường tồn và tương lai tươi sáng của đất nước. Chúng tôi vô cùng biết ơn các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các cán bộ lão thành cách mạng và tất cả những ai đã từng chịu đựng gian khổ, hy sinh, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta vô cùng cảm động, vì có nhiều đồng chí CCB tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng đã không ngại đường sá xa xôi, khó khăn, vất vả, vượt hàng ngàn cây số về dự gặp mặt đầy ý nghĩa và cảm động. Ðiều đó nói lên tình cảm thân thương của các CCB luôn hướng về cội nguồn nơi mảnh đất sinh ra, nuôi dưỡng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của Sư đoàn, nơi để lại những kỷ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời binh nghiệp: gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào; nơi các đồng chí đã một thời chung lưng, đấu cật với quân dân địa phương chiến đấu và chiến thắng quân thù.
Thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhân dân và LLVT tỉnh, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 - Sao Vàng cho quê hương Bình Ðịnh…
(Trích phát biểu của đồng chí Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi gặp mặt)
Bài: NGUYỄN PHÚC
Ảnh: VĂN LƯU