Ghi chép ở cảng cá Quy Nhơn
Cảng cá Quy Nhơn từ lâu được xem là chợ đầu mối thu mua và trung chuyển hải sản sầm uất nhất tỉnh Bình Định nói riêng và của khu vực miền Trung nói chung. Một ngày ở cảng cá Quy Nhơn, chúng tôi đã hiểu được phần nào cuộc sống của những con người mà cả cuộc đời gắn liền với biển, phụ thuộc vào những vui, buồn của biển.
Cảng cá Quy Nhơn xây dựng hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng năm 2003 và hàng năm đều được đầu tư nâng cấp. Với các hạng mục cầu cảng, bến bãi, luồng lạch thiết kế hiện đại, tiện dụng, cảng cá Quy Nhơn được hình thành như một “căn cứ” của các tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Đây cũng là nơi tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ và sơ chế, bảo quản hải sản để cung ứng cho thị trường trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Mỗi ngày nơi đây đón hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh và các tỉnh bạn vào bán sản phẩm và lấy “tổn” (nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước đá…) để tiếp tục ra khơi.
Vựa cá miền Trung
Ông Lê Văn Đông, ở tỉnh Quảng Ngãi, chủ tàu cá QNg 8347 TS, cho biết: “Hôm nay, sau chuyến biển được mùa, chia cho bạn hơn 8 triệu đồng/người, tàu cá của tôi tranh thủ lấy “tổn” để tiếp tục ra khơi khai thác. Dự kiến, chừng nửa tháng nữa tàu của tôi sẽ lại có mặt ở cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm. Chúng tôi chọn nơi đây để tiêu thụ sản phẩm vì cơ sở hạ tầng khá tốt, hoạt động thu mua diễn ra cả ngày lẫn đêm. Hơn nữa, nơi đây thuận đường lên các tỉnh Tây Nguyên, nên cá bán rất được giá”.
Nhiều chủ tàu chọn cảng cá Quy Nhơn làm bến đỗ, nên vào những ngày biển được mùa, không khí ở đây diễn ra rất nhộn nhịp. Theo thống kê của Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn, hiện trung bình mỗi tháng cảng cá có hơn 1.000 lượt tàu thuyền cập bến, với lượng hải sản mua - bán đạt gần 3.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012.
Tàu thuyền ra vào cảng ngày một tăng, đã kéo theo nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá tăng theo. Hiện nay, tại cảng cá Quy Nhơn đã có khoảng 50 chủ nậu, chuyên mua cá ở đây đưa đi phân phối ở các chợ đầu mối trong tỉnh và các tỉnh lân cận trong khu vực. Đội quân bốc vác cũng đã hình thành, với trên 70 người thường xuyên túc trực tại cảng cá để chờ việc. Ngoài ra, tại đây còn có trên 70 xe ô tô, xe ba gác máy... sẵn sàng chở cá đi các nơi theo yêu cầu của các chủ nậu. Để đưa các hoạt động đi vào nề nếp, Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn đã phân công 35 cán bộ, nhân viên của cảng túc trực 24/24 giờ hàng ngày để thu phí và giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực cảng cá, tập trung vào giờ cao điểm từ 12 giờ đêm cho đến sáng.
Mưu sinh nơi cảng cá
Chúng tôi có mặt tại cảng cá Quy Nhơn lúc 1 giờ đêm, khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ sâu. Nhưng trước đó, từ lúc 12 giờ khuya, từng tốp người với đầy đủ dụng cụ đã đổ về đây để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Là một trong những vựa cá lớn, nên cảng cá Quy Nhơn là nơi mưu sinh của hàng trăm con người với những công việc khác nhau. Phần lớn họ đều là những người không nghề nghiệp, không đồng vốn “lận lưng”, phải bán sức lao động của mình để kiếm sống. Người khuân vác, rửa cá, gánh cá, phân loại cá; kẻ bán đồ ăn, thức uống cho những người lao động. Chị Lê Thị Tuyết Trinh, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), hối hả về cảng cá Quy Nhơn để phân loại cá cho chủ nậu. Vừa đi, chị vừa nói: “Ở đây tiền công được tính theo giờ, theo khối lượng công sức lao động bỏ ra nên ai cũng tranh thủ đến sớm để kiếm được nhiều tiền hơn về trang trải cuộc sống gia đình”.
Gần 2 giờ sáng, tàu cá đầu tiên cập bến, cảng cá trở nên nhộn nhịp. Đêm nay là một đêm vui bởi “biển no”. Những tiếng động cơ của xe máy trên bến và động cơ của ghe tàu dưới thuyền rền vang. Tiếng gọi nhau í ới của đội quân bốc vác cộng với tiếng cười nói, hỏi thăm nhau của người nhà với “bạn tàu” sau cuộc hành trình dài ngày trên biển đã phá tan bầu không khí đêm yên tĩnh.
Trời càng về sáng, không khí lao động trên cảng cá càng nhộn nhịp hơn. Hàng trăm người vây quanh từng đống cá đủ loại, nhanh tay phân loại, cân ký, cắt đầu, bốc lên xe. Đội quân xe tải lần lượt khởi hành, mang theo những giỏ cá đầy ắp đến các chợ đầu mối cho kịp phiên chợ sáng. Những người buôn bán nhỏ ở các chợ trong thành phố cũng tranh thủ chọn mua mỗi người chừng vài chục ký cá tươi và chở nhanh bằng xe máy tỏa đi các chợ. Ở phía cầu cảng, trên chục thanh niên hì hục chuyển nước đá cây ướp cá, lương thực, thực phẩm, bơm dầu vào những can nhựa… chuẩn bị cho chuyến biển mới.
Chị Lê Thị Mỹ Tình, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), tâm sự: “Quê tôi ở Tuy Phước, từ nhỏ gia đình khó khăn, cả cha mẹ đều phải làm thuê, làm mướn để mưu sinh. Năm 2003, tôi có chồng ở phường Đống Đa và không có nghề nghiệp ổn định nên bám vào cảng cá này để mưu sinh cho đến nay. Công việc hàng ngày của tôi là đợi tàu vào, sau khi cá được chuyển hết vào, chủ tàu và lái cá đã mua bán xong, còn lại một đống hổ lốn gồm cá dạt, cua, ghẹ dập nát... tôi đến mua lại. Sau đó tôi phân ra từng loại. Những con cá còn tương đối lành lặn được mang về làm khô, cua ghẹ mang bán cho các quán ăn. Tính ra mỗi ngày cũng kiếm được từ 120 - 150 ngàn đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình”.
Những nỗi niềm
Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, một người đàn ông đứng thở dốc, bên cạnh là một chồng khay đựng cá cao quá đầu. Tôi lại bắt chuyện, rất mệt nhưng ông ta vẫn vui vẻ trả lời: “Tôi là Lê Văn Hùng, năm nay 66 tuổi, nhà ở tận thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước. Công việc của tôi ở cảng cá này là cùng với một nhóm người bốc cá từ tàu lên bờ để xe lạnh vận chuyển đi các nơi. Công việc rất vất vả và nặng nhọc, lại thường phải làm vào ban đêm nên mất rất nhiều sức. Tôi cũng đã lớn tuổi rồi, nhiều lúc muốn kiếm công việc khác làm nhẹ hơn, nhưng biết làm gì khi không có vốn, cũng không có trình độ. Thôi thì còn chút sức khỏe cố làm để kiếm ít tiền dành dụm về sau khỏi làm phiền con cái”.
Khi tôi hỏi về thu nhập cũng như những trăn trở trong công việc, đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán, anh Trần Đình Hựu - một người trong đội quân bốc vác ở đây - chân thành: “Ngày nào cá về nhiều thì việc làm nhiều hơn và thu nhập cũng khá hơn. Có việc làm đều đều hàng ngày và chịu khó một chút thì thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, tạm đủ cho cuộc sống của 2 vợ chồng và 1 đứa con nhỏ. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, những lúc biển động hay khi đau ốm không làm được thì không có tiền, phải chạy vạy vay mượn để cả nhà tạm sống qua ngày”.
Còn anh Lê Văn Hồng, cũng làm nghề bốc vác tại đây, kể với chúng tôi: “Trước kia tôi đi làm đủ nghề, ai mướn gì làm nấy nhưng thu nhập thấp lắm, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Do hoàn cảnh túng thiếu nên nhiều lúc vợ chồng có lời qua tiếng lại. Thấy một số anh chị bốc vác ở đây có thu nhập tương đối khá nên tôi xin theo làm. Tuy vất vả và nặng nhọc, nhưng được cái nghề này có thu nhập cao hơn, lại không ràng buộc về thời gian, hôm nào khỏe thì làm còn mệt thì nghỉ, nên cũng thoải mái...”.
Chúng tôi rời cảng cá Quy Nhơn khi nắng đã vượt quá đỉnh đầu. Trong không gian đặc quánh mùi oi nồng của cảng cá và cái nóng hầm hập bốc lên, hàng trăm người vẫn đang cần mẫn làm việc. Thỉnh thoảng, họ dừng tay, túm tụm chuyện trò, cười đùa rồi lại nhanh chóng vào vị trí công việc mỗi khi có một chiếc tàu cá mới cập bến. Chợt nao lòng khi nghĩ tới những ngày “biển đói”, những chiếc quang gánh buông lơi trên vai những người phu khuân vác, với vẻ mặt buồn hiu, và những nỗi lo về “cơm áo gạo tiền” hằn sâu trên trán họ.
NGỌC THÁI