Xung quanh việc khai thác, tỉa thưa gỗ rừng trồng phòng hộ tại Vĩnh Thạnh: Cần có “tiếng nói chung”
Do giữa người trồng rừng và ngành chức năng chưa tìm được “tiếng nói chung” nên dù đã qua chu kỳ khai thác 1 năm nhưng việc khai thác rừng trồng phòng hộ thuộc tiểu khu (TK) 155, ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh vẫn chưa thể tiến hành và cho đến nay câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ.
Đến hạn khai thác nhưng phải chờ
Năm 2007, 14 hộ dân ở làng Klot-Pok, thuộc thị trấn Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thạnh) tham gia trồng 45,9 ha keo lai theo diện “rừng trồng phòng hộ” tại TK 155, xã Vĩnh Hảo. Theo quy định, đến năm 2014 - thời điểm các hộ trồng rừng được phép khai thác, tỉa thưa và hưởng lợi (90%) đối với giá trị gỗ khai thác được.
Diện tích rừng trồng phòng hộ tại TK 155, xã Vĩnh Hảo đã quá chu kỳ khai thác 1 năm.
Ngày 12.5.2014, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1842/UBND-TH về chủ trương khai thác, tỉa thưa cây phù trợ rừng trồng phòng hộ bằng nguồn vốn Nhà nước năm 2014 của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Vĩnh Thạnh.
Theo đó, đối với diện tích 45,9 ha rừng trồng thuần keo lai - thuộc phân cấp phòng hộ xung yếu- khai thác bằng phương thức theo đám, các đám phải xen kẽ nhau. Đám khai thác có diện tích tối đa 2 ha; tổng diện tích các đám khai thác không vượt quá 20% diện tích đạt tiêu chí khai thác… Thế nhưng, sau đó, chủ trương này không được triển khai thực hiện (?)
Đến năm 2015 (đã trễ 1 năm so với chu kỳ khai thác), các hộ trồng rừng gửi đơn đến cơ quan chức năng xin khai thác trắng đối với diện tích 45,9 ha tại TK 155. Về việc này, BQLRPH Vĩnh Thạnh đã mời đại diện các hộ dân làm việc, vận động và thông báo chỉ có thể khai thác theo băng, không cho phép khai thác trắng.
Bên cạnh đó, BQL triển khai thiết kế khai thác rừng; thông báo diện tích bình quân mỗi hộ được khai thác, cũng như số tiền bình quân các hộ được nhận. Tuy nhiên, các hộ trồng rừng không đồng ý phương thức khai thác do BQLRPH Vĩnh Thạnh đưa ra nên tiếp tục gửi đơn kiến nghị ngành chức năng xem xét, giải quyết.
Ông Đinh Văn Ngao - đại diện 14 hộ trồng rừng, cho biết: Bà con làm theo chủ trương của Nhà nước, bỏ công, bỏ sức trồng rừng phòng hộ để được hưởng lợi theo quy định. Nhưng đã qua chu kỳ khai thác 1 năm, bà con chưa hưởng được gì. Nếu khai thác theo băng, bà con gặp rất nhiều khó khăn; trong đó, khó nhất là giữ số cây chưa khai thác không bị gãy đổ, tiếp nữa là phát dọn và đốt thực bì để trồng cây mới. Bà con đồng ý khai thác bình quân mỗi hộ 1 ha, nhưng kiến nghị được khai thác trắng theo đám chứ không theo phương thức băng xen kẽ nhau.
Vẫn chưa có sự đồng thuận
Trước bức xúc của các hộ tham gia trồng rừng, ông Đinh Phia, Trưởng làng Klot-Pok, kiến nghị: “Tôi mong các cấp, ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng rừng được khai thác một cách hợp lý; tránh khiếu nại kéo dài”.
Ông Đoàn Siêng - Giám đốc BQLRPH Vĩnh Thạnh, cho biết: Sở dĩ năm 2014 không thực hiện việc khai thác, tỉa thưa rừng thuộc diện tích 45,9 ha là bởi thời điểm đó BQL xin chủ trương khai thác theo đám (theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20.5.2011). Tuy nhiên, chủ trương của UBND tỉnh là khai thác theo phương thức tỉa thưa; không cho chặt trắng theo đám, theo băng.
Năm 2015, BQL tiếp tục xin chủ trương khai thác diện tích rừng trồng tại TK 155 và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương tại văn bản số 1980/UBND-TH ngày 8.5.2015. Theo chủ trương này, việc khai thác rừng trồng thực hiện bằng phương thức tỉa thưa theo băng xen kẽ nhau; chiều rộng băng khai thác không quá 20m, diện tích băng khai thác không quá 1 ha; tổng diện tích khai thác không quá 20% diện tích rừng đạt tiêu chuẩn phòng hộ. BQLRPH Vĩnh Thạnh đã mời các hộ dân làm việc, thông báo chủ trương, nhưng người trồng rừng không đồng ý.
Mới đây, ngày 4.8, đại diện Chi cục Lâm nghiệp, Thanh tra Sở NN&PTNT, BQLRPH Vĩnh Thạnh và ngành chức năng liên quan đã làm việc với các hộ trồng rừng để thông báo, giải thích chủ trương của UBND tỉnh về khai thác, tỉa thưa rừng trồng phòng hộ.
Qua làm việc, các hộ trồng rừng cơ bản thống nhất chủ trương của tỉnh; cụ thể, tổng diện tích được phép khai thác năm 2015 là 9,18 ha, được phân bổ trong 10/14 hộ trồng rừng (người trồng rừng tự thỏa thuận, xác định hộ được khai thác). Quá trình thiết kế khai thác, bán đấu giá phải có sự chứng kiến của người trồng rừng và ngành chức năng. Tiền thu được sau khai thác, hộ trồng rừng được hưởng lợi 90% theo quy định. Trong quá trình khai thác, nếu có hư hại cây chưa khai thác, cây trồng mới thì cá nhân, đơn vị thực hiện khai thác phải chịu trách nhiệm.
“Quan điểm của chúng tôi là khai thác, tỉa thưa rừng trồng phòng hộ theo đúng chủ trương của UBND tỉnh và đúng các quy định pháp luật hiện hành. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục làm việc với người trồng rừng; đồng thời, lập phương án thiết kế khai thác rừng trình các cấp thẩm quyền xem xét. Khi đầy đủ các thủ tục pháp lý và các hộ trồng rừng đồng thuận thực hiện theo chủ trương của tỉnh, chúng tôi sẽ thực hiện khai thác, tỉa thưa diện tích rừng trồng phòng hộ tại TK 155”, ông Đoàn Siêng cho biết thêm.
Mong rằng, BQLRPH Vĩnh Thạnh, UBND huyện Vĩnh Thạnh và các ngành chức năng có liên quan của tỉnh xem xét, có giải pháp giải quyết thấu tình đạt lý cho vấn đề khai thác diện tích rừng trồng phòng hộ tại TK 155 theo hướng hài hòa lợi ích của các bên.
VĂN LỰC