Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: Tâm huyết với nhạc võ Tây Sơn
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đã hoàn thành luận văn thạc sĩ âm nhạc học với đề tài “Nhạc võ Tây Sơn” vào cuối năm 2014, được Hội đồng Khoa học của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đánh giá cao. Ông đã chia sẻ với Báo Bình Định về đề tài nghiên cứu này.
* Là một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều sáng tác cho phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên, bận rộn với nhiều công việc, vì sao ông lại chọn đề tài “Nhạc võ Tây Sơn” mất nhiều thời gian, công sức đi xa thực hiện?
Biểu diễn Nhạc võ Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung.
- Nhạc võ Tây Sơn trước đây chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống, mới chỉ thấy những bài viết trên báo giấy, báo điện tử, cũng như một vài video clip trên truyền hình… Tại Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn, có chương trình biểu diễn trực tiếp nhạc võ Tây Sơn cho du khách xem, nhưng chủ yếu mang tính chất giới thiệu. Đây chính là lý do thôi thúc tôi chọn đề tài nghiên cứu này. Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Bình Định, nên việc nghiên cứu đề tài Nhạc võ Tây Sơn cũng không ngoài mục đích góp phần vào việc bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này.
* Thưa nhạc sĩ, ông có thể cho biết đề tài nghiên cứu đã được thực hiện như thế nào?
- Cùng với quá trình quan tâm tìm hiểu từ nhiều năm trước đó, khi thực hiện đề tài tôi đã tiếp tục có nhiều chuyến đi thực tế điền dã, gặp gỡ các nghệ nhân ở huyện Tây Sơn, các nghệ sĩ ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn, tham khảo ý kiến của nhạc sĩ ở Quy Nhơn…; đồng thời tìm các nguồn tài liệu qua sách báo, tạp chí cũng như mạng internet. Trong quá trình nghiên cứu, tôi áp dụng phương pháp loại suy, so sánh, đối chiếu, để tìm ra những giá trị tiêu biểu nhất.
Đề tài của tôi có một số điểm mới đóng góp về nghiên cứu khoa học. Ở tỉnh Bình Định từ xưa đến nay đã xuất hiện nhiều tên gọi như trống võ Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, trống trận Quang Trung, nhạc võ Tây Sơn, võ nhạc Tây Sơn… Trong quá trình nghiên cứu, điều trăn trở của tôi là chọn một tên gọi mang tính chất bao hàm và hợp lý. Trước hết, đó là sự thống nhất về thuật ngữ “Nhạc võ Tây Sơn”, còn các tên gọi khác chỉ là tên gọi bộ phận chính thuộc bộ màng của biên chế dàn Nhạc võ Tây Sơn. Đề tài đã có sự phân tích về hệ thống, trình bày biên chế, thang âm, điệu thức trong dàn Nhạc võ Tây Sơn. Bên cạnh đó, tôi cũng đã đề xuất phương pháp ký âm bộ trống võ Tây Sơn 12 chiếc, góp phần vào việc truyền đạt, tập luyện đánh trống hiện nay dễ dàng hơn.
* Dưới góc độ nhìn nhận chung, ông đánh giá như thế nào về Nhạc võ Tây Sơn ?
- Ngày xưa, dàn Nhạc võ Tây Sơn gồm mười sáu trống chiến, ngoài ra còn có tù và, kèn, chiêng, phèng la… là những nhạc cụ hỗ trợ. Trong đó, trống chiến là linh hồn của nhạc võ. Khi đánh trống, hai bàn tay cầm dùi trống của nghệ nhân phụ trách mười hai chiếc, bốn chiếc còn lại đánh bằng hai gót chân và hai khuỷu tay. Dàn Nhạc võ Tây Sơn ngày nay vẫn gồm đủ trống chiến, kèn xô-na, chiêng, phèng la, nhưng chỉ còn mười hai trống tượng trưng cho thập nhị địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão...), xếp thành ba bậc trên giá đỡ, ứng với triết lý tam tài (Thiên - Địa - Nhân).
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên vừa đón nhận bằng tốt nghiệp cao học âm nhạc vào cuối tháng 7.2015.
Tôi đánh giá dàn Nhạc võ Tây Sơn là “tuyệt tác” không chỉ thông qua sự phối hợp tài tình giữa những đặc tính dũng mãnh, uy lực của trường phái võ thuật dân tộc, với những thuộc tính mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật âm nhạc dân gian, mà còn có những đặc trưng và mối giao cảm tương tác. Trong đó, võ và nhạc có mối quan hệ biện chứng: khi lấy võ làm chủ đạo trong luyện tập thì nhạc góp phần mang tính chất phụ họa. Ngược lại khi lấy nhạc làm chính thì góp phần quan trọng làm cho võ bớt thô cứng, đơn điệu và càng thêm uy lực cho cả dàn nhạc.
* Từ đề tài nghiên cứu, theo ông phải làm sao để kế thừa và phát triển Nhạc võ Tây Sơn ?
- Đòi hỏi cần có giới nhạc sĩ sáng tác hiểu biết về âm nhạc dân tộc, biết vận dụng các tiết tấu cũng như những giai điệu trong dàn nhạc võ. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm của các biên đạo múa, những người sáng tác kịch bản, biên kịch, đạo diễn… để đưa Nhạc võ Tây Sơn vào các thể loại nhạc múa, tuồng, hát bội. Các cơ quan quản lý văn hóa ở tỉnh Bình Định nên quan tâm đưa Nhạc võ Tây Sơn vào các lễ hội thường xuyên, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, nâng cao hơn nữa về chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật diễn tấu Nhạc võ Tây Sơn nhằm đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.
Tôi nghĩ nên đưa môn Nhạc võ Tây Sơn vào chương trình giáo dục âm nhạc dân tộc trong hệ thống các nhạc viện quốc gia và các trường dạy âm nhạc ở các địa phương, nhất là đối với Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Bình Định. Qua nhiều chuyến đi thực địa điền dã, tôi thấy lo khi số người diễn tấu được “Trống võ Tây Sơn” còn quá ít. Do đó, vấn đề đào tạo lực lượng là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn!
* Xin cảm ơn nhạc sĩ!
ĐẶNG THỊ LẠ (Thực hiện)
Tôi rất thích bài hát " Hào khí xuân đất võ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, tôi xin bản lời và phần nhạc nền có được không?Nếu được xin chuyển giúp nhanh, tôi đang cần gấp. cảm ơn.