Nhiều thay đổi trong quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS
Bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Thu
Ngày 22.7.2015, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn Quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS”. Theo bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Thu, Trưởng khoa Tư vấn, điều trị và can thiệp cộng đồng (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh), nhiều điểm mới từ hướng dẫn này sẽ tác động tích cực đến thực tiễn công tác quản lý, điều trị và chăm sóc cho người có “H” tại tỉnh ta.
Cụ thể, bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Thu cho biết, điểm mới quan trọng của “Hướng dẫn Quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” vừa được ban hành là thay đổi tiêu chuẩn bắt đầu để được điều trị ARV: số lượng tế bào CD4 tăng từ ≤ 350 tế bào/mm3 lên ≤ 500 tế bào/mm3. Bên cạnh đó, một số đối tượng ưu tiên được điều trị không phụ thuộc số lượng tế bào CD4. Đối với người lớn và trẻ từ 5 tuổi trở lên, đối tượng ưu tiên có giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 bao gồm cả mắc lao; có biểu hiện của viêm gan B mạn tính nặng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú nhiễm HIV; người nhiễm HIV có vợ/chồng không bị nhiễm HIV; người nhiễm HIV thuộc các quần thể nguy cơ (người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới); người nhiễm HIV từ 50 tuổi trở lên; người nhiễm HIV sinh sống, làm việc tại khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, điều trị cho tất cả trẻ nhiễm HIV không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4.
● Lâu nay, quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) của người có “H” là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tới đây, đối tượng này sẽ được ưu tiên như thế nào, thưa bác sĩ?
- Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1 cơ sở y tế điều trị người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn là khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh. Số người đang được điều trị tại đây là 125, trong đó chỉ có 90 người có thẻ BHYT. Hầu hết số thẻ này có đăng ký ban đầu tại các trạm y tế và trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, do đó người bệnh không được hưởng quyền lợi gì từ BHYT, vì là điều trị trái tuyến.
Bên cạnh “Hướng dẫn Quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS”, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 15/2015/TT-BYT ngày 26.6.2015 về việc hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Theo thông tư này, người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả: thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Hoạt động tập huấn công tác điều trị HIV/AIDS do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức.
Bên cạnh đó, BHYT cũng thanh toán chi phí xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn; xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ trường hợp tai nạn nghề nghiệp); điều trị dự phòng cơ hội.
Tuy nhiên, quyền lợi của người có “H” tham gia BHYT còn phụ thuộc vào bản thân của người bệnh qua việc bộc lộ tình trạng bệnh với cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
● Việc “Hướng dẫn Quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” mới được ban hành có tác động như thế nào đến thực tiễn hoạt động tại địa phương?
- Rõ ràng, với hướng dẫn mới này, những người nhiễm HIV sẽ có cơ hội tiếp cận sớm với ARV vì quy định số lượng tế bào CD4 đã tăng đáng kể, đồng thời một số nhóm đối tượng được ưu tiên điều trị không phụ thuộc số lượng tế bào CD4, góp phần làm giảm tỉ lệ lây nhiễm tại cộng đồng.
Quyền lợi của người có “H” tham gia BHYT còn phụ thuộc vào bản thân của người bệnh qua việc bộc lộ tình trạng bệnh với cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu
Thế nhưng, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở điều trị tại BVĐK tỉnh, do đó các bệnh nhân ở các tuyến cơ sở rất khó khăn trong việc đi lại cũng như không được hưởng các chế độ khám chữa bệnh BHYT tại BVĐK tỉnh. Sẽ thuận lợi hơn khi người nhiễm HIV nếu được điều trị ngay tại các tuyến y tế cơ sở, được hưởng lợi nhiều hơn từ BHYT. Tuy nhiên, điều này là rất khó, bởi sự kỳ thị của xã hội mà bản thân họ không muốn để lộ tình trạng nhiễm “H” của mình.
● Xin bác sĩ cho biết tình hình triển khai “Hướng dẫn Quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” ở tỉnh ta?
- Tuy chúng tôi chưa được tập huấn triển khai “Hướng dẫn Quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” mới này, nhưng trước đây Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có văn bản triển khai một số vấn đề quan trọng liên quan, do đó việc triển khai công tác quản lý, chăm sóc và điều trị có nhiều thuận lợi, đặc biệt là hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và áp dụng tiêu chuẩn điều trị mới.
Tuy nhiên, hoạt động quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS vẫn còn gặp một số khó khăn. Một số trường hợp phát hiện nhiễm “H” được quản lý và theo dõi đến khi đủ tiêu chuẩn điều trị thì mất dấu; cụ thể, có 4/7 trường hợp đủ tiêu chuẩn điều trị ARV mất dấu trong số 18 người đang được quản lý. Việc đánh giá thất bại điều trị còn gặp khó khăn do xét nghiệm về tải lượng vi-rút HIV chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, xét nghiệm PCR cho trẻ phơi nhiễm từ mẹ nhiễm “H” chưa được thực hiện tại tỉnh mà phải gửi vào Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.
● Xin cảm ơn bác sĩ.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)