Hãy cứ đi về phía trước
Ai đó đã từng nói, hạnh phúc giản dị đôi khi chỉ là có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu thương và có điều gì đó để hy vọng. Là người khuyết tật, niềm hạnh phúc vì có việc gì đó để làm của chị gian nan hơn bởi những rào cản về sức khỏe, định kiến. Nhưng cứ đi về phía trước, cứ kiên trì, bước qua từng khó khăn, nắm lấy cơ hội là cách để chị tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Chị là Cao Thị Ngọc Phượng (37 tuổi, ở 4/8 Hải Thượng Lãn Ông, TP Quy Nhơn) - một trong 24 người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh năm 2015.
Trầy trật tìm nghề
Chị Phượng là con gái út trong một gia đình có 7 người con. Cơn sốt lúc một tuổi rưỡi khiến đôi chân chị bị liệt hoàn toàn. Chị lớn lên trong nỗi buồn, nước mắt bởi khi bắt đầu nhận ra mình khác biệt so với mọi người xung quanh.
Không đủ điều kiện cho chị đến trường, cha mẹ chị dành thời gian để dạy con học chữ, tập đọc, tập viết, tập cộng trừ nhân chia… Khi các anh chị đều đi làm, có gia đình riêng, chị bắt đầu nhận thấy bản thân là gánh nặng cho gia đình. Khao khát làm điều gì đó để đáp lại tình thương yêu của gia đình, để không còn là gánh nặng, để như bao người bình thường khác trỗi dậy mãnh liệt.
Hiểu được mong muốn của con, cha mẹ chị đã dùng số tiền dành dụm để sắm một chiếc xe điện ba bánh - phương tiện đưa chị hòa nhập với cộng đồng. Chị về sinh hoạt tại Chi hội Sức sống (thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh), được gặp bạn bè đồng cảnh ngộ và thấy mình vui vẻ hơn. Rồi, chị được học nghề in lụa. Kết thúc khóa học, chị được Chi hội giới thiệu việc làm nhưng vì hạn chế về sức khỏe, chị phải nghỉ việc.
Gạt qua nỗi buồn, thất vọng về bản thân, chị tiếp tục đi tìm một công việc mới. Chị học nghề làm đồ chơi trẻ em bằng gỗ. Những món đồ xinh xắn, thú vị tạo cho chị niềm tin, sự lạc quan. Nhưng, niềm vui cũng vụt tắt khi xưởng sản xuất từ chối vì lý do năng suất làm việc của chị không đạt yêu cầu.
“Tôi chán nản và khóc 2 ngày liền vì thấy mình bất hạnh. Nhưng rồi, tôi lại tự an ủi bản thân, rằng: chắc vẫn còn cơ hội. Tháng 5.2012, tôi nghe tin Chi hội Nguyễn Nga mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc cho người khuyết tật. Lúc đó, tôi tin đây là một cơ hội nữa cho mình vì từ nhỏ, tôi đã rất thích âm nhạc”, chị nhớ lại.
Vượt qua vòng sơ tuyển, chị đăng ký học lớp đàn tranh và háo hức chờ đến ngày khai giảng. Tháng 10.2012, chị đến lớp. Cứ thế, ngày nắng cũng như ngày mưa, đôi tay chị miệt mài thay chân nâng mình lên mấy chục bậc thang để đến với lớp nhạc ở tầng 3 tòa nhà Chi hội Nguyễn Nga. Để rồi sau đó, đôi bàn tay chai sạn lại say mê lướt trên cung đàn.
Những hy vọng
Hai năm rưỡi đã trôi qua, cô gái rụt rè bên phím đàn tranh năm nào nay đã dạn dĩ hòa nhịp với cả nhóm nhạc trong những khúc hòa tấu mượt mà. Hơn thế, chị còn là giọng ca nữ nổi bật của nhóm nhạc khuyết tật. Với âm nhạc, chị đã trải nghiệm nhiều cảm xúc thú vị mà trước đó chưa một lần hình dung đến: hồi hộp trước giờ biểu diễn, xúc động trước sự động viên, cổ vũ của người xem.
Vừa học, vừa biểu diễn, vừa chắt chiu, dành dụm, được các nhà hảo tâm giúp đỡ, chị Phượng đã có một sổ tiết kiệm riêng. Con số tiết kiệm nay đã lên được khoảng 5 triệu đồng. Với chị, đó là thành quả quý giá từ chính công sức, sự nỗ lực của bản thân. Và nó mở ra cho chị những hy vọng. Ít nhất chị đã tìm thấy một công việc phù hợp với khả năng của bản thân để cảm thấy tự tin, để lao động hết mình.
“Tôi đã có một công việc để làm bằng tất cả say mê. Tôi đã có hy vọng, ước mơ. Và bạn biết không, tôi cũng tìm thấy người để yêu thương, để giúp tôi bớt khó nhọc khi lên xuống những bậc thang, chia sẻ những khi vui buồn! Những điều đó làm tôi thấy hạnh phúc. Càng hạnh phúc, tôi lại càng phải nỗ lực, rèn luyện. Tôi và cả nhóm nhạc đều tập luyện mỗi ngày với mong muốn thêm nhiều người biết về âm nhạc của những con người khiếm khuyết nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn”, chị tâm sự.
NGUYỄN MUỘI