CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN PHÙ MỸ LẦN THỨ XVIII (NHIỆM KỲ 2015-2020)
Tích cực huy động nguồn lực, sức dân xây dựng giao thông nông thôn
5 năm qua, huyện Phù Mỹ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, nổi bật nhất là hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi và góp phần quan trọng phát triển KT- XH, đổi mới nông thôn.
Là một trong hai xã điểm xây dựng NTM của huyện, Mỹ Hiệp đã tận dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, đồng thời huy động sự đóng góp trong dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” và công khai, minh bạch về tài chính. Trong 5 năm, xã Mỹ Hiệp đã thi công được 42,5km tuyến đường bê tông xi măng nông thôn. Hiện, 100% các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm của địa phương được bê tông hóa, cứng hóa.
Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp, cho biết: “17/17 thôn có đường bê tông đến trung tâm xã. Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm đều được mở rộng, bê tông hóa, các đường nội đồng được cứng hóa, không còn ổ voi, ổ gà hay sình lún như trước đây”.
Tuy không nằm trong xã điểm xây dựng NTM của huyện, nhưng đến nay xã Mỹ Hòa đã “cán đích” tiêu chí giao thông với 30km đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm được nhựa hóa, bê tông hóa theo phương thức “Nhân dân và nhà nước cùng làm”, “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư khác. Ngoài ra, 100% trục đường liên xóm, đường nội đồng của xã được cứng hóa, sỏi hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa. Để làm được điều này, chính quyền xã Mỹ Hòa giao chỉ tiêu mỗi xóm đăng ký làm từ 200 - 300m đường bê tông ngõ, xóm với phương thức 50% ngân sách xã, 50% dân tự lực cùng với nguồn xi măng tỉnh hỗ trợ. Đây là cách làm hay của Mỹ Hòa đã được nhiều nơi trong huyện học tập, vận dụng.
Đến nay, hầu hết các xã biển, xã bãi ngang của huyện Phù Mỹ đều đẩy mạnh phong trào làm đường, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo giao thông nông thôn, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Về Phù Mỹ những ngày này, đi đến đâu cũng thấy đường bê tông bằng phẳng, rộng rãi. Sau gần 5 năm, toàn huyện đã bê tông hóa thêm 149,117km đường; đường trục xã, liên xã được bê tông hóa 267,38 km, đạt tỉ lệ 100%; trục thôn, xóm đã được bê tông hóa, cứng hóa 200,96km, đạt tỉ lệ 79%; trục ngõ, xóm được 361,47km, đạt 70%; trục chính nội đồng cứng hóa được 98,99km, đạt 43,3%.
Trong thành công này có sự đóng góp rất lớn của nhân dân địa phương bởi họ đã nhận thức được việc xây dựng đường giao thông nông thôn không chỉ mang lại lợi ích cá nhân, gia đình mà cho cả cộng đồng dân cư. Ông Lê Thanh Trà, một người dân xã Mỹ Hiệp, hào hứng: “Cũng như bà con, gia đình tui tự nguyện chặt cây, hiến đất để mở rộng con đường đi qua nhà mình. Bây giờ cứ lên xe đi là có đường thẳng tắp, ra đến tận ngoài đồng, sướng lắm, bà con chúng tôi ai ai cũng phấn khởi, cũng ủng hộ nhiệt tình”. Còn ông Nguyễn Văn Ba, ở thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa, nói: “Bây giờ, không còn cảnh lầy lội khi mưa xuống, ngộp bụi đường khi nắng lên. Lúa thóc chuyển về nhà, phân bón ra đồng đều bằng xe máy, làm sao không sướng được”.
Trong 5 năm qua, nhân dân trong huyện đã hiến 75.556m2 đất, đóng góp 13.943 ngày công và tiền mặt với tổng giá trị hàng chục tỉ đồng; bà con đã chặt hàng chục ngàn cây ăn quả, di dời nhiều vật kiến trúc, góp phần thực hiện tốt chương trình làm giao thông nông thông của địa phương.
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Phù Mỹ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, lồng ghép vốn từ các chương trình, đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất của nhân dân, phấn đấu đến năm 2020, huyện có hơn 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Một số kết quả KT-XH của huyện giai đoạn 2010-2015
GRDP bình quân đạt 13,03%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng từ 70 triệu đồng (năm 2010) lên 123 triệu đồng (năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 27,49 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2010.
Cùng với sự phát triển của 4 cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống được đầu tư phát triển; qua đó, thu hút 43 doanh nghiệp, 21 hộ kinh doanh đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Tổng vốn đầu tư xây dựng trong 5 năm trên địa bàn huyện khoảng 6.315 tỉ đồng, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2005-2010 tập trung vào các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh, giáo dục, y tế.
Trong xây dựng NTM, xã Mỹ Hiệp và Mỹ Lộc đã về đích năm 2014, trước kế hoạch một năm. Năm 2015, xã Mỹ Hòa, Mỹ Trinh sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí. Ðến nay, toàn huyện đạt bình quân 13 tiêu chí/16 xã, tăng 8,5 tiêu chí/xã so với đầu kỳ. Chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng lên.
THANH TRỌN
hiến kế với đại hội
Làm thế nào phát huy lợi thế, tiềm năng biển, giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất ruộng, vườn... là những ý kiến của đại biểu gởi đến Ðại hội Ðảng bộ huyện Phù Mỹ lần thứ XVIII.
Ông Trần Ngọc Sanh, Giám đốc HTX NN 1 Mỹ Hiệp:
cần có giải pháp tốt cho liên kết “4 nhà”
Theo tôi, cần có giải pháp tốt nhất tạo mọi điều kiện thuận lợi để có sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả cao giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Muốn vậy, Nhà nước cần tìm thị trường xuất khẩu nông sản ổn định cho bà con và phát triển công nghiệp chế biến nông sản, không để nông dân xuất khẩu sản phẩm thô; bố trí các chuỗi liên kết sản xuất để tăng thêm giá trị và độ bền vững. Nhà khoa học nghiên cứu tìm ra các giống cây trồng, vật nuôi tốt hơn đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân. Thực tế chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm cho hiệu quả kinh tế thấy rõ, nhưng cơ cấu giống lúa cho sản xuất 2 vụ còn quá ít để bà con lựa chọn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần làm tốt hơn nữa khâu hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp. Mặt khác, cần có giải pháp tích cực hơn nữa để bao tiêu sản phẩm, hạn chế tình trạng nông dân bị tư thương ép cấp, ép giá. Riêng nhà nông, cần được chuyển giao tiến bộ KHKT và nắm bắt thông tin thị trường, gắn sản xuất với tiêu thụ đảm bảo nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Hoàng Thân, nguyên Bí thư huyện ỦY Phù Mỹ:
phát huy lợi thế kinh tế biển
Phù Mỹ có lợi thế, tiềm năng về biển nhưng nhiều năm qua chưa phát huy đúng mức. Theo tôi, để góp phần đưa kinh tế biển trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện, cần thực hiện các giải pháp sau:
Tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân đóng tàu vỏ thép công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ hiện đại, khai thác ở các ngư trường xa. Trong khai thác đánh bắt ven bờ, huyện nên nhân rộng điển hình, khôi phục nghề chà truyền thống của địa phương vì ít vốn đầu tư, quy trình khai thác không khó mà lại giải quyết được việc làm cho nhiều lao động và cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm/hộ.
Mặt khác, nên có quy hoạch chi tiết về nghề nuôi trồng thủy hải sản, quy hoạch khu dân cư hướng tới quy mô sản xuất, chế biến hiệu quả kinh tế cao gắn với đảm bảo môi trường sinh thái. Cũng cần sớm mở cửa biển Hà Ra (Mỹ Đức) và Vĩnh Lợi (Mỹ Thành) để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Ðặng Thanh Hải, Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Lộc:
Hạn chế chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp
Quỹ đất sản xuất nông nghiệp của huyện, của xã ngày càng ít. Do đó, theo tôi, nên hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác khi chưa thật sự cần thiết.
Qua phong trào thi đua lao động sản xuất, huyện cần phát hiện các nhân tố mới, cách làm ăn hiệu quả; qua đó, kịp thời đúc kết kinh nghiệm, giới thiệu, phổ biến cho nông dân học tập, ứng dụng trong thực tiễn, phát triển kinh tế. Đối với trường hợp sản xuất giỏi chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và giúp người khác cùng phát triển kinh tế làm giàu cho xã hội, các cấp ủy đảng nên xem xét, tạo điều kiện kết nạp họ vào Đảng.
XUÂN LỘC (ghi)