Tây Sơn: Rác tràn ngập kênh mương Văn Phong
Gần đây, nhiều người dân kém ý thức đã đổ rác xuống hệ thống kênh mương Văn Phong (huyện Tây Sơn) làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, chính quyền địa phương và đơn vị chức năng lại chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Hệ thống kênh mương Văn Phong trên địa bàn huyện Tây Sơn có tổng chiều dài gần 100 km, đi qua các xã Bình Thành, Bình Hòa, Bình Thuận, Tây An, Tây Bình; được đưa vào quản lý, khai thác tháng 5.2014. Để đảm bảo an toàn cho việc vận hành hệ thống kênh mương Văn Phong, UBND huyện Tây Sơn đã ban hành văn bản (số 229/UBND-KTN ngày 29.5.2014) cấm lấn chiếm, sử dụng hành lang trong phạm vi bảo vệ công trình gây cản trở đến việc quản lý, vận hành hệ thống; không được thải các chất độc hại, xả rác thải, xác động vật, nước thải chưa được xử lý, chưa đạt tiêu chuẩn cho phép vào hệ thống.
Thế nhưng, đi thực tế cùng PV Báo Bình Định vào trung tuần tháng 8.2015 tại tuyến kênh chính thuộc thôn Trường Định 2, xã Bình Hòa (đoạn giáp ranh giữa xã Bình Hòa và xã Bình Tân), ông Võ Văn Chữ, cán bộ địa chính xã Bình Hòa, lắc đầu: “Đấy, đứng cách tuyến kênh hơn 10m rồi mà mùi hôi thối cứ ám hết vào người. Mình ở đây chừng 5 phút đã chịu không nổi thì làm sao người dân sống xung quanh đây chịu cho thấu!”. Theo ông Chữ, một số người dân ở khu vực thượng lưu tuyến kênh Văn Phong thuộc thôn Thuận Hòa (xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) kém ý thức, đã xả rác, xác gia súc, gia cầm chết xuống lòng kênh gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục “mục sở thị” tại xi phông số 2 kênh N14 thuộc kênh mương Văn Phong, đoạn chảy qua xóm 1, thôn Vân Tường, xã Bình Hòa, chúng tôi thấy ở đây, lượng rác mắc vào lưới chắn rác rất nhiều; khiến dòng nước chảy tràn ra khỏi kênh, gây xói lở và bồi lấp bờ ruộng của người dân. Để giải quyết tạm thời tình trạng rác thường xuyên tồn đọng, Xí nghiệp Thủy lợi V (đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống kênh mương Văn Phong trên địa bàn huyện Tây Sơn, thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định) cắt cử người vớt rác, rồi xử lý bằng phương pháp thiêu đốt tại chỗ. Tuy nhiên, việc làm này không nhận được sự đồng thuận của người dân vì gây ô nhiễm môi trường, nhất là khi có gió thổi mạnh.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đào Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, cho biết: UBND xã Bình Hòa đã làm việc với Xí nghiệp Thủy lợi V đề nghị đơn vị phải thu gom rác, đổ đúng nơi quy định, xa khu dân cư; nhưng không được quan tâm thực hiện. Về phía địa phương, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền người dân không đổ rác ra tuyến kênh Văn Phong, phần lớn lượng rác từ xã Bình Tân trôi xuống. Làm việc với Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi V Nguyễn Văn Lượng, PV được nghe lý giải: Lượng rác phát sinh trên đoạn kênh mương Văn Phong là do người dân xã Bình Tân xả thải. Xí nghiệp Thủy lợi V cũng chỉ gửi văn bản đến UBND các xã và HTX trên địa bàn huyện đề nghị vận động nhân dân không xâm phạm công trình kênh mương và đổ rác vào lòng kênh.
“Việc thu gom và xử lý rác thải, khơi thông dòng chảy theo định kỳ đơn vị không có kinh phí thực hiện. Do đó, chúng tôi chỉ vớt rác lưu chứa trên nền bê tông tại vị trí xi phông. Về lâu dài, đơn vị sẽ có văn bản đề nghị Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định bố trí nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác thải phát sinh tại những vị trí có lưới chắn rác và dựng các biển báo cấm xả rác tại các đoạn kênh mương chạy qua các khu đông dân cư”, ông Lượng cho biết thêm.
Ngày 23.6.2015, Sở NN&PTNT ban hành văn bản số 1862/SNN-TL đề nghị UBND huyện Tây Sơn, huyện An Nhơn, huyện Phù Cát chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện: tổ chức thu gom rác thải các khu dân cư dọc hệ thống kênh Văn Phong; tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi, không lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình, không xả rác thải, nước thải chưa xử lý vào kênh.
PHÚC LỘC