Cách mạng tháng Tám - 1945 ở Bình Định
Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kì và Tỉnh ủy lâm thời Bình Định, nhân dân ở đây đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, tích cực chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945, góp phần tạo nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trên phạm vi cả nước.
1. Khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 9.1939), phong trào cách mạng trong toàn quốc cũng như ở Bình Định chuyển vào hoạt động bí mật. Từ năm 1939 đến năm 1945, một số cán bộ Đảng đến Bình Định hoạt động gây cơ sở, các chi bộ Đảng được thành lập, Mặt trận Việt Minh và Ban cán sự Đảng của tỉnh được ra đời. Đây là thời kỳ xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Bình Định là tỉnh có phong trào cách mạng phát triển khá sớm. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các cơ sở Đảng ở Bình Định được thành lập: Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn (3.1930); Chi bộ Cửu Lợi, Tam Quan, Hoài Nhơn (8.1930), Chi bộ Trường Quốc học, Quy Nhơn (11.1930).
Cuối năm 1938, Tỉnh ủy lâm thời Bình Định được củng cố gồm 3 đồng chí: Trần Lung, Trần Tín và Nguyễn Văn, do Trần Lung làm Bí thư. Đầu năm 1939, trước đòi hỏi mới của phong trào công nhân đường sắt, Xứ ủy Trung Kì xúc tiến một số biện pháp nhằm củng cố phong trào công nhân xe lửa đoạn Diêu Trì - Tháp Chàm. Khoảng tháng 9.1939, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của công nhân đường sắt Bình Định được thành lập, do đồng chí Nguyễn Đình Thụ làm Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời, phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh có bước phát triển mới. Trước khi thế đấu tranh của nhân dân, thực dân Pháp ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng. “Chỉ trong tháng 10 và tháng 12.1939 có 37 đảng viên và quần chúng cách mạng (trong đó có 15 cán bộ chủ chốt của Đảng bộ tỉnh và các phủ, huyện: An Nhơn, Bình Khê, Quy Nhơn, Hoài Nhơn) bị bắt” [1; tr. 113].
Đến cuối năm 1939, các cơ sở Đảng hầu như bị tan vỡ, đường dây liên lạc giữa Đảng bộ tỉnh với cấp trên cũng bị cắt đứt. Riêng Chi bộ công nhân Đề-pô Diêu Trì vẫn đảm bảo an toàn về tổ chức, tiếp tục lãnh đạo quần chúng công - nông đấu tranh. Đi đôi với công tác phát triển lực lượng, Chi bộ Đề-pô Diêu Trì phát động hàng chục cuộc đấu tranh từ đòi dân sinh dân chủ lên chống phát xít. Tháng 1.1940, 200 công nhân Đề-pô Diêu Trì đấu tranh đòi tăng lương 10 - 20%, trả lương đúng kì, bỏ các lệ cúp phạt, đánh đập, cấp “bông” mua gạo và một số hàng thiết yếu [2; tr. 71]. Tuy bị đàn áp song cuộc đấu tranh đã mở đầu cho phong trào cách mạng trong thời kì mới.
Tháng 6.1940, Xứ ủy Trung Kì cử Trần Văn Ngoạn về Quy Nhơn giúp địa phương khôi phục cơ sở Đảng và phong trào quần chúng. Cuối năm 1940, Chi bộ Đảng được thành lập trong công nhân xưởng mộc Hiệp Thành (phường Đống Đa, Quy Nhơn) gồm 5 đảng viên do đồng chí Trần Văn Ngoạn làm Bí thư. Chi bộ Hiệp Thành ra đời là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào công nhân Bình Định. Chi bộ đã xây dựng được các tiểu tổ phản đế trong một vài xí nghiệp và xóm lao động ở Quy Nhơn và Hưng Thạnh, Diêu Trì (Tuy Phước).
Cuối năm 1940 đầu năm 1941, thực dân Pháp tiến hành khủng bố nhiều nơi ở Nghệ An, Thừa Thiên, Quảng Nam…, một số đảng viên các địa phương trên đến Bình Định tìm việc làm, họ xây dựng một số cơ sở cách mạng ở hãng Đờ-li-nhông (Phú Phong, Tây Sơn), Diêu Trì (Tuy Phước). Trong những năm 1941 - 1942, tuy bị thực dân Pháp và tạy sai đàn áp tàn khốc, công nhân và lao động trong tỉnh vẫn tiến hành nhiều cuộc đấu tranh. Đáng chú ý là cuộc đấu tranh của hơn 300 công nhân phân xưởng dệt hãng Đờ-li-nhông bãi công (đầu 1942), buộc bọn chủ phải chấp nhận một số yêu sách của công nhân [3; tr. 75]. Tiếp đó, nông dân nhiều nơi trong tỉnh (Tam Quan, Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ...) nổi lên chống bọn cường hào xâm chiếm ruộng đất công.
Đầu năm 1943, tại Nhà lao Quy Nhơn, một Chi bộ Đảng được thành lập, do đồng chí Võ Xán làm Bí thư. Chi bộ không những chú trọng vận động tù nhân mà còn tích cực xây dựng cơ sở đơn tuyến trong binh lính, hạ sĩ quan và viên chức các cơ quan của Pháp tại Quy Nhơn, đồng còn tìm cách bắt liên lạc với các đảng viên ở bên ngoài.
Như vậy, từ khi Tỉnh ủy lâm thời Bình Định củng cố, các chi bộ Đảng lần lượt được thành lập, phong trào đấu tranh chống Pháp - Nhật ở Bình Định có bước phát triển mới, lực lượng cách mạng ngày càng phát triển đông đảo, quần chúng nhân dân được tập dượt qua nhiều hình thức đấu tranh. Khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
2. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), phong trào cách mạng ở Bình Định có điều kiện phát triển. Tháng 4.1945, Ủy ban Vận động cứu quốc tỉnh thành lập tại làng Định Bình (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn), được gọi là Việt Minh Tăng Bạt Hổ, chủ trương tập hợp mọi lực lượng trong tỉnh để đấu tranh theo chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ở Bình Định còn có Ủy ban Vận động Việt Minh tỉnh, được gọi là Việt Minh Nguyễn Huệ, thành lập vào giữa tháng 5.1945 tại hãng Đề-li-nhông (Phú Phong, Tây Sơn), do đồng chí Võ Xán làm Thư kí. Với danh nghĩa là Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh, Việt Minh Nguyễn Huệ chủ trương: “Khẩn trương tập hợp mọi lực lượng yêu nước vào Mặt trận Việt Minh, lấy Phú Phong làm bàn đạp để phát triển phong trào các nơi; Công khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu chương trình 10 điểm của Mặt trận Việt Minh trong nhân dân; Bằng mọi cách làm cho quần chúng nhanh chóng thấy rõ bộ mặt cướp nước của giặc Nhật, đồng thời kiên quyết cô lập bọn thân Nhật; Ráo riết tìm liên lạc với Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cũng như phong trào Việt Minh trong và ngoài tỉnh” [4; tr. 84 - 85].
Hai tổ chức Việt Minh ở Bình Định đều hoạt động rộng rãi trong quần chúng, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chống Nhật, cứu nước trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, do thiếu sự thống nhất về tổ chức và chỉ đạo hoạt động của hai tổ chức này nên cũng ảnh hưởng không tốt đến phong trào đấu tranh. Do đó, yêu cầu thống nhất về tổ chức được đặt ra khẩn thiết.
Trước khi thế cách mạng ngày càng sôi sục, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động ở Bình Định không ngừng lớn mạnh. Phạm vi hoạt động của các chi bộ Đảng không đáp ứng kịp thời với bước phát triển mới của cách mạng. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến, cuối tháng 7.1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bình Định được thành lập, do đổng chí Trần Lương làm Bí thư. Ban cán sự Đảng đề ra một số nhiệm vụ cần giải quyết trước mắt là: “Thống nhất các lực lượng Việt Minh trong tỉnh, tăng cường cán bộ cho các nơi phong trào còn yếu, đồng thời xúc tiến các mặt chuẩn bị để ra tờ báo của phong trào Việt Minh Bình Định” [5; tr. 135].
Tổ chức Việt Minh và Ban cán sự Đảng của tỉnh được thành lập đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Ở các phủ, huyện và thị xã Quy Nhơn, tổ chức Việt Minh cũng lần lượt ra đời và đi vào hoạt động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Trong khi hai tổ chức Việt Minh chưa thống nhất được thì tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ, do phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở Đông Dương hoang mang, chính phủ Trần Trọng Kim và các đảng phái thân Nhật ở Việt Nam hoảng loạn. Trước tình thế ấy, Việt Minh Nguyễn Huệ và Việt Minh Tăng Bạt Hổ đều tổ chức họp và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa [6]. Phong trào cách mạng của quần chúng đòi hỏi phải hành động khi thời cơ đến.
Chiều 21.8.1945, hàng ngàn quần chúng tham gia cuộc mít tinh, do Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh Nguyễn Huệ tổ chức tại sân ga Quy Nhơn. Kết thúc cuộc mít tinh, quần chúng hô vang các khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh!”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim!”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập!” [7; tr. 94]. Quân Nhật và cảnh sát ngụy đóng gần đấy không có phản ứng gì đối với cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng.
Ngay tối 21.8, Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh Nguyễn Huệ họp, quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lị tại thị xã Quy Nhơn vào ngày 23.8. Và ngày 23.8.1945, hàng vạn người, gồm công nhân Phú Phong, Diêu Trì cùng các tầng lớp nhân dân ở thị xã Quy Nhơn, các làng lân cận (trong số này có cả lực lượng Việt Minh Tăng Bạt Hổ tại Quy Nhơn) họp mít tinh ở sân ga Quy Nhơn, biểu lộ quyết tâm xóa bỏ chính quyền địch, lập chính quyền cách mạng. Cuộc mít tinh chuyển thành cuộc biểu tình thị uy, với gần 200 tự vệ vũ trang của công nhân và thanh niên đi đầu. Đoàn biểu tình lần lượt chiếm Đốc bộ đường (dinh Tỉnh trưởng), tòa Đốc lí thành phố (Tòa sứ cũ) và các công sở của chính quyền bù nhìn. Các đồn cảnh sát, trại bảo an binh cũng lần lượt giao nộp vũ khí, kho tàng cho quân khởi nghĩa. Trước sự hân hoan của quần chúng, tại Đốc bộ đường, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời lấy tên tỉnh Nguyễn Huệ làm lễ tuyên thệ, do đồng chí Võ Xán làm Chủ tịch.
Do yêu cầu của cách mạng, Ủy ban Vận động cứu quốc tỉnh nhận thấy cần phải thống nhất lực lượng Việt Minh toàn tỉnh, trên nguyên tắc đoàn kết, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Ngày 30.8.1945, tại An Sơn (Hoài Sơn, Hoài Nhơn), Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh họp đại biểu Việt Minh các huyện, do đồng chí Ngô Đức Đệ chủ trì, quyết định thống nhất lực lượng Việt Minh toàn tỉnh, củng cố chính quyền cách mạng các cấp.
Ngày 31.8.1945, tại cuộc họp ở Diêu Trì (Tuy Phước), với sự tham dự của đại biểu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ và đại biểu Ủy ban Vận động cứu quốc tỉnh, do đồng chí Trần Lương chủ trì, quyết định: “Thống nhất các Việt Minh trong tỉnh; Củng cố Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Bình Khê, Phù Mỹ bao gồm đại biểu các nhóm Việt Minh trong địa phương; Đưa Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ làm nhiệm vụ Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Quy Nhơn, do đồng chí Lê Văn Nhiễu làm Chủ tịch; Quyết định nhân sự Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời mới của tỉnh và lấy tên là tỉnh Tăng Bạt Hổ...; Thảo luận kế hoạch huy động lực lượng và tổ chức cuộc mít tinh ngày 3.9.1945” [8; tr. 104].
Đến ngày 31.8.1945, trong toàn tỉnh Bình Định, nhân dân đã giành được chính quyền. Sáng ngày 3.9, một cuộc mít tinh lớn với hơn 30.000 người tham dự được tổ chức tại sân vận động Quy Nhơn, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời mới của tỉnh Bình Định (lúc này lấy tên là tỉnh Tăng Bạt Hổ), do đồng chí Trần Quang Khanh làm Chủ tịch ra mắt trước nhân dân.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bình Định thắng lợi, từ tỉnh lị đến các làng xã, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám trong cả nước. Và “ngày 23 tháng 8 năm 1945 được xem là bước mở đầu, là điểm then chốt của quá trình khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh và là ngày hội của quần chúng nhân dân Quy Nhơn cũng như đồng bào toàn tỉnh” [9; tr. 101].
TRẦN QUỐC TUẤN
(Trường Đại học Quy Nhơn)
Chú thích:
[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định (1990): Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định, tập 1 (1930 - 1945), NXB Tổng hợp Bình Định, Quy Nhơn.
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình (1985): Sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1928 - 1945), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghĩa Bình.
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình (1985): Sách đã dẫn.
[4] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình (1985): Sách đã dẫn.
[5] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định (1990): Sách đã dẫn.
[6] Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh Nguyễn Huệ thành lập ngày 13-8-1945, do đồng chí Võ Xán làm Trưởng ban; Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh Tăng Bạt Hổ thành lập ngày 18-8-1945, do đồng chí Trần Quang Khanh làm Trưởng ban.
[7] Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Quy Nhơn (1998): Lịch sử Đảng bộ thành phố Quy Nhơn (1930 - 1975), Sở Văn hóa Thông tin Bình Định.
[8] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình (1985): Sách đã dẫn.
[9] Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Quy Nhơn (1998): Sách đã dẫn.