Thị trấn Tam Quan: Phấn đấu thành trung tâm CN-TTCN phía bắc huyện Hoài Nhơn
Những năm 2000-2005, Tam Quan mới được biết đến là một thị trấn non trẻ của huyện Hoài Nhơn, cuộc sống của đại đa số người dân chỉ dựa vào nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Từ năm 2010 đến nay, nơi này là một trong số ít địa phương của huyện thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Nhật Bản, vươn lên trở thành một trong những địa phương ở các huyện phía bắc tỉnh có mức tăng trưởng mạnh từ ngành công nghiệp may mặc.
Thị trấn Tam Quan thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Nhật Bản.
- Trong ảnh: Công nhân may mặc của Công ty cổ phần đầu tư An Phát. Ảnh: D.B.S
Phần lớn người dân thị trấn Tam Quan giờ đã không còn làm nông nghiệp thuần túy mà vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, và tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ - thương mại. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 20,2 triệu đồng/người/năm, tính đến tháng 6.2015.
Trên đây chỉ là một trong những thành công điển hình của địa phương khi thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thị trấn Tam Quan trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội trọng điểm phía bắc huyện theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Tam Quan lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra.
Ông Trần Minh Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ đã được thể hiện rõ nét là ưu tiên phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), trong đó phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV) là khâu then chốt. Từ đó, tạo bước chuyển mạnh mẽ cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ”.
Để thực hiện được điều này, một mặt thị trấn đã trích ngân sách bồi thường giải phóng mặt bằng để cùng với huyện xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1A mới (đường Trần Phú) dài gần 3 km, rộng 24 m (tổng vốn đầu tư trên 42 tỉ đồng), đầu tư 7,2 tỉ đồng xây mới chợ Tam Quan rộng 5.000 m2, tạo tiền đề cho phát triển TM-DV. Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, thị trấn Tam Quan đã quy hoạch 16,5 ha đất ruộng tại khối 5 để xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) Tam Quan và giao 2,2 ha đất màu cho DNTN Quý xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại khối 8. Từ năm 2010 đến nay, CCN Tam Quan thu hút 3 công ty lớn vào hoạt động là Công ty cổ phần May Tam Quan, Công ty cổ phần đầu tư An Phát, Công ty cổ phần công nghệ Wash HNC, quy mô ngày càng phát triển. Hiện 4 công ty này thu hút trên 5.000 lao động trong và ngoài địa phương vào làm việc, giải quyết lao động nông nhàn.
Năm 2014, tổng giá trị thu nhập của thị trấn gần 1.300 tỉ đồng, đạt 143% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Tính đến tháng 6.2015, toàn thị trấn đã có 1.765 cơ sở sản xuất CN-TTCN-TM-DV, tăng 286 cơ sở so với năm 2010, qua đó góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm của thị trấn đạt 23%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó CN-TTCN-TM-DV chiếm 93,4%, nông nghiệp chiếm 6,6%.
Với quyết tâm xây dựng thị trấn Tam Quan trở thành trung tâm CN-TTCN phía bắc huyện vào năm 2020, Đảng bộ thị trấn Tam Quan lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra nhiệm vụ tiếp tục duy trì và nâng tổng giá trị sản phẩm địa phương đến năm 2020 đạt 6.732 tỉ đồng. Trong đó, CN-TTCN chiếm tỉ trọng 40,4%; TM-DV 56%, nông nghiệp chiếm 3,6%; phấn đấu thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Ông Trần Minh Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Tam Quan, cho biết thêm: “Để đạt được mục tiêu này, thị trấn sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư và phát triển KT-XH; xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề, có cơ hội vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giảm bớt lao động dư thừa trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội”.
DIỆP BẢO SƯƠNG