Tọa đàm “Vai trò âm nhạc trong nghệ thuật múa”: Thể hiện âm nhạc trong múa
Nhạc và múa không phải là hai khách bộ hành đi theo đường mòn của nhau, mà mỗi bên cần tạo cho mình con đường riêng và hỗ trợ nhau cùng đến đích. Ðó là điều tâm đắc mà nhiều đại biểu đã gợi mở trong cuộc tọa đàm “Vai trò âm nhạc trong nghệ thuật múa” do Chi hội nghệ sĩ Múa Bình Ðịnh tổ chức sáng 20.8.
Vai trò quan trọng của âm nhạc
Khi thưởng thức một tác phẩm múa, có khán giả nghĩ rằng nhạc chỉ là “đệm” cho múa, hoặc múa đã “dịch” nhạc sang ngôn ngữ của mình. Thực tế thì múa và nhạc phải tạo ra quan hệ như “hai bạn đường cùng nắm tay nhau” đi đến mục đích chung đó là lột tả nội dung tác phẩm.
Để có một tác phẩm múa giàu cảm xúc, đầy tính nghệ thuật thì âm nhạc đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình tính cách, bố cục, hình tượng và ngôn ngữ của múa. Nhạc sĩ Khắc Hùng phân tích: “Chỉ cần một nét nhạc dân gian hò khoan vang lên là người ta liên tưởng đến không gian lao động của một làng chài ven biển. Chỉ cần hồi trống chầu và tiếng kèn sona của tuồng là người xem nghĩ ngay đến những chiếc mặt nạ, những chòm râu, những điệu bộ của hát tuồng. Hay một khúc nhạc hành khúc hùng dũng vang lên sẽ gợi lên hình tượng những người lính, và còn rất nhiều ngôn ngữ âm nhạc khác. Người nhạc sĩ hay biên đạo có nắm bắt được ngôn ngữ âm nhạc của từng vùng miền hay của các cộng đồng dân tộc Việt Nam thì sẽ thổi vào hồn tác phẩm của mình những giá trị nghệ thuật cao, dễ đi vào lòng người và giàu cảm xúc”.
Để phát huy được vai trò của âm nhạc, biên đạo phải cảm thụ âm nhạc một cách sâu sắc. Tuy nhiên, trong nhiều chương trình nghệ thuật quần chúng ở tỉnh ta gần đây có những biên đạo, đạo diễn “quá dễ tính” với âm nhạc, chưa nhìn thấy đầy đủ vai trò của âm nhạc tác động đến sự thành bại của tác phẩm múa như thế nào. Một số biên đạo phong trào còn thụ động trong việc tiếp thu, xử lý âm nhạc với múa. Biên đạo Hoàng Việt, Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ Múa Bình Định, nhìn nhận: “Đã đến lúc các nhà biên đạo, nhất là các biên đạo trẻ, nên quan tâm nâng cao trình độ âm nhạc của mình bằng cách tự học tập, tự đào tạo lý thuyết cũng như thực hành trong thực tiễn sáng tạo của mình. Khi nhận một bản nhạc có thể nhận biết được hình tượng, đặc điểm, bản chất thẩm mỹ của tác phẩm âm nhạc múa. Từ đó, có thể tự mình phân câu, phân đoạn, phân tích tính chất âm nhạc để sáng tác múa”.
Khai thác ngôn ngữ âm nhạc đặc trưng
Bình Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, là nơi giao thoa của các nền văn hóa các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ở miền núi có các loại hình dân ca, dân vũ, đồng bằng có bài chòi, tuồng mang nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên, lâu nay việc khai thác và phát triển ngôn ngữ chất liệu âm nhạc đặc trưng này vẫn còn “khiêm tốn”, có chăng chỉ trong các đợt lễ hội, liên hoan, hội thi có quy mô lớn.
Trong phong trào văn nghệ quần chúng tỉnh nhà hiện có nhiều biên đạo, nhạc sĩ trẻ có ưu điểm được đào tạo bài bản, nắm bắt và tiếp cận nhanh nhạy các ngôn ngữ của âm nhạc và múa mới, đa dạng phong cách. Tuy nhiên, họ cần có thời gian để thẩm thấu những ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Võ. Tại cuộc tọa đàm, đã có giới thiệu những tiết mục múa như Bài ca không quên (biên đạo Xuân Quang); Ngọt tình chợ nón Gò Găng (biên đạo Trà My); Một thời để nhớ (biên đạo Kim Tiễn) được dàn dựng công phu, thể hiện tâm huyết của các biên đạo trẻ. “Muốn khai thác âm nhạc truyền thống trong tiết mục múa không phải dễ, đòi hỏi người biên đạo trẻ phải đầu tư suy nghĩ, học hỏi nhiều. Chúng tôi sẽ cố gắng đi sâu khai thác chất liệu âm nhạc vùng, miền đặc trưng trong tác phẩm múa của mình, đồng thời kết hợp múa dân gian với múa đương đại để đem lại nét mới thu hút khán giả”, biên đạo Trà My cho biết.
Một trong những lí do khiến các nhạc sĩ và biên đạo trẻ chưa chú tâm nhiều đến vấn đề khai thác tác phẩm múa mang âm nhạc đặc trưng của quê hương Bình Định được nêu ra là họ chưa được khuyến khích, đặt hàng để sáng tác.
Nhạc sĩ Khắc Hùng đề xuất: “Cần lắm bàn tay kết nối của Hội VHNT trong việc gắn kết sáng tạo nghệ thuật của hai Chi hội Múa và Chi hội Âm nhạc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật quê hương. Trong đó, ngôn ngữ âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phong cách múa của địa phương. Thiết nghĩ, Hội VHNT cần đầu tư các tác phẩm về âm nhạc và múa thông qua việc mở các đợt thực tế sáng tác riêng cho các biên đạo, nhạc sĩ để hàng năm có những tác phẩm nghệ thuật múa có giá trị cao và mang dấu ấn địa phương”.
Nhạc sĩ, NSƯT Ðào Duy Kiền góp ý: “Muốn tiết mục múa có chất lượng và thể hiện đặc trưng văn hóa, lịch sử của quê hương Bình Ðịnh, nhạc sĩ và biên đạo phải cùng chia sẻ, trao đổi về âm nhạc. Cần tìm tòi khai thác từ chất liệu cuộc sống, nghiên cứu để có vốn liếng về kiến thức âm nhạc truyền thống”.
HOÀI THU - ĐẶNG THỊ LẠ