“Rối như canh hẹ”!
Đó là những gì đã và đang xảy ra liên quan đến công tác xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1 năm 2015 trong những ngày vừa qua. Mặc dù đã “chốt sổ” đợt 1, nhưng phải đến ngày 25.8 các trường mới công bố kết quả xét tuyển chính thức, nên có lẽ trong vài ngày tới thí sinh vẫn trong tâm trạng chờ đợi. Dường như những sự kỳ vọng về một kỳ thi “2 trong 1” với đổi mới để giảm bớt gánh nặng và nỗi lo thi cử của các năm trước đã… “tan như bọt nước”.
Nói về những gì đang diễn ra, nhà giáo lão thành Văn Như Cương buông một tiếng thở dài “kỳ thi đã thất bại hoàn toàn”. Một nhà giáo khác thì thốt lên “Bộ đã quá chủ quan”. Và còn rất nhiều những ý kiến bày tỏ sự thất vọng do những rắc rối, phức tạp trong việc chọn trường, chọn ngành, nộp và rút hồ sơ xét tuyển đầy rối rắm, mịt mờ và tốn kém thời gian, tiền bạc của thí sinh và gia đình…
Mặc dù trong những ngày qua các vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT liên tục có những những lời khuyên, động viên thí sinh và gia đình họ “bình tĩnh”, “không nên quá lo lắng”; thậm chí đã có ý kiến chỉ đạo các trường ĐH, CĐ, Sở GD-ĐT tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong quá trình xét tuyển, nếu phát hiện vi phạm thì sẽ có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc…, nhưng hàng vạn thí sinh và gia đình của họ vẫn đang “mất ăn, mất ngủ” với tính toán “đút vào rút ra” như thế nào để có được sự lựa chon hợp lý nhất trong việc nộp hồ sơ xét tuyển.
Và, dù đã “quay như chong chóng” trong những ngày qua nhưng chuyện nộp hồ sơ vào trường nào, ngành học nào “cho chắc ăn” vẫn rất mông lung (!). Các em nộp hồ sơ xét tuyển xong mà cứ thấp thỏm không yên vì chưa biết thứ hạng điểm của mình trồi lên sụt xuống thế nào, có chắc đậu không? Rồi chuyện xét tuyển thông báo thứ hạng của thí sinh trên mạng nhưng việc nộp hồ sơ vẫn phải lên tận trường, thí sinh muốn rút hồ sơ nộp vào trường khác cũng không dễ… khiến cho thí sinh mệt mỏi, hoang mang.
Vì những bất cập nói trên, nhiều người cho rằng không cần biết cách thi “2 trong 1” của năm nay giảm áp lực căng thẳng cho thi cử được bao nhiêu so với cách thi “3 chung” của các năm trước, nhưng với 20 ngày chờ đợi công bố điểm chuẩn cho đợt xét tuyển nguyện vọng 1 đã diễn ra thì hàng vạn người cũng hao tâm, tổn sức không kém. Những tưởng đã kết thúc được kỳ thi “ba chung” sẽ đơn giản hóa một bước căn bản chuyện thi cử, giảm bớt sự phiền hà, giúp cho tiết kiệm tiền bạc của Nhà nước, thí sinh và gia đình nhưng xem ra với quy định hiện tại thì kỳ thi năm nay dường như rắc rối hơn.
Dư luận xã hội đều đồng tình việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết, nhưng với những khúc mắc như đã nêu thì những “người trong cuộc” là các cơ quan có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm để giảm bớt những phiền hà, rắc rối để các kỳ thi cử, tuyển sinh các năm sau bớt “rối như canh hẹ” như năm nay.
H.Đ