Sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh: Tư vấn có vai trò rất quan trọng
Trong 2 ngày 18 và 19.8, thạc sĩ Lê Tuấn Linh, Thư ký của Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Trường ĐH Y dược Huế) đã trực tiếp tập huấn về kỹ năng tư vấn trong sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho cán bộ y tế trong tỉnh.
Theo thạc sĩ Lê Tuấn Linh, công tác tư vấn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Với một xét nghiệm thông thường, bác sĩ là người đọc kết quả và quyết định hướng điều trị tiếp theo. Với xét nghiệm sàng lọc trước sinh, khi có kết quả nguy cơ cao, hướng xử lý tiếp theo như thế nào phụ thuộc vào quyết định của thai phụ. Người tư vấn phải giúp cho thai phụ hiểu đầy đủ, đúng đắn, bởi quyết định sau đó như thực hiện chẩn đoán trước sinh hay đình thai đều ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Thạc sĩ Lê Tuấn Linh tập huấn về kỹ năng tư vấn trong sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho cán bộ y tế trong tỉnh.
* Sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh vẫn là một lĩnh vực mới mẻ, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Với công tác tư vấn, khó khăn ấy thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Cũng như tại các địa phương khác trong khu vực, cán bộ làm công tác tư vấn ở Bình Định chưa có nhiều kinh nghiệm, nên chưa thể giải thích cặn kẽ khi đối tượng được sàng lọc có nhu cầu. Ví như, chỉ nói được là thai phụ có “nguy cơ cao”, chứ không nói rõ được nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này. Và, không phải loại nguy cơ nào cũng phải làm chẩn đoán trước sinh, mà có thể chỉ cần theo dõi thêm bằng siêu âm. Khi thông báo kết quả sàng lọc, thay vì phải cặn kẽ là đối tượng có nguy cơ cao hoặc nguy cơ thấp, có người nói gọn là dương tính/âm tính, dễ dẫn đến hiểu lầm đối tượng có/không có nguy cơ.
Cần nói thêm rằng, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, việc mang thai và sinh con ngày càng được coi trọng. Thai phụ và người nhà có điều kiện tiếp cận thông tin trên mạng, dễ dàng tìm hiểu cách chăm sóc thai, dinh dưỡng, bệnh lý của mẹ và thai nhi, đặc biệt là các dị tật có thể phát hiện và can thiệp sớm. Nếu cán bộ y tế không cập nhật kiến thức mới thì sẽ không tránh khỏi lúng túng khi trả lời câu hỏi của người được sàng lọc. Cứ thế sẽ làm mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến việc mở rộng đối tượng được sàng lọc.
* Vậy, theo ông, quá trình tư vấn sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của cán bộ y tế cần chú ý những nguyên tắc nào?
- Đầu tiên, phải luôn ghi nhớ nguyên tắc “biết mới nói, không chắc chắn thì không nói”. Cán bộ y tế chỉ đóng vai trò là người cung cấp thông tin, đưa ra các hướng giải quyết chứ không “định hướng” cho họ. Nếu sản phụ còn băn khoăn, do dự, chúng ta có thể tư vấn cho họ tham khảo ý kiến của gia đình, bạn bè, hoặc các bác sĩ chuyên khoa.
Thêm một nguyên tắc rất quan trọng là “không phán xét”. Khi sàng lọc cho kết quả nguy cơ cao, có thực hiện chọc ối để chẩn đoán trước sinh hay không, có đình thai hay không đều là quyền quyết định của người được sàng lọc. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, tác động lớn đến sức khỏe lẫn đời sống tình cảm của con người, nên tư vấn viên không được bày tỏ bất kỳ thái độ nào mang tính phán xét đối với từng quyết định của đối tượng.
Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh có thành lập cổng thông tin chaodontuonglai.vn. Người dân có thể truy cập để tìm hiểu thông tin về sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Theo thạc sĩ Lê Tuấn Linh, khi nhân lực được bổ sung đầy đủ, Trung tâm sẽ tổ chức tư vấn qua mạng thường xuyên, đưa thông tin cần thiết đến cộng đồng.
* Qua quá trình theo dõi chương trình sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, có thể thấy bên cạnh những vấn đề tồn tại trong công tác tư vấn, việc lấy mẫu máu xét nghiệm cũng bộc lộ không ít hạn chế…
- Đúng là như vậy. Theo thống kê của chúng tôi, có đến hơn 10% số mẫu được gửi về Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh có sai sót. Trong đó, phổ biến nhất là thiếu thông tin sản phụ - thông tin ảnh hưởng trực tiếp (như tuổi mẹ) hoặc gián tiếp (cân nặng của mẹ) đến kết quả sàng lọc. Trên mẫu thông tin, chúng tôi có yêu cầu cung cấp số điện thoại của người lấy mẫu và sản phụ, nhưng nhiều mẫu lại để trống. Khi thiếu thông tin sản phụ, chúng tôi phải liên hệ về Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, “lần” ra số điện thoại để bổ sung. Công đoạn này rất mất thời gian, ảnh hưởng đến độ chính xác của xét nghiệm.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)