Tích cực, chủ động hội nhập, bảo đảm lợi ích quốc gia
Việt Nam chủ trương tiếp tục đưa quan hệ với các nước, đối tác “thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả” để các mối quan hệ này phát triển ổn định, bền vững đồng thời làm nền tảng cho quan hệ của nước ta với các nước khác.
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong buổi gặp gỡ báo chí vào chiều 21.8, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tiến trình hội nhập quốc tế với phương châm chủ động, tích cực. Hội nhập quốc tế, theo Phó Thủ tướng, là một quá trình thay đổi tư duy, từng bước hội nhập, trước hết là kinh tế, mở rộng sang các lĩnh vực khác, hội nhập quốc tế toàn diện, rồi đến tích cực chủ động hội nhập.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp gỡ các nhà báo. Ảnh: Hải Minh (VGP)
Việc tham gia đàm phán, ký kết một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) như TPP, FTA với EU… là minh chứng rõ nét cho quá trình tích cực, chủ động trong hội nhập của đất nước. Đây là các FTA thế hệ thứ ba với tiêu chuẩn cao hơn so với thế hệ thứ nhất (chỉ bàn giảm thuế) và thế hệ hai (liên quan đến tài chính).
Hội nhập ngày nay là nhiệm vụ của cả nước, trong đó ngoại giao đi đầu về đề xuất chủ trương, lĩnh vực, cơ sở của hội nhập; cùng với các bộ, ngành, địa phương tham gia hội nhập.
Truyền thống ngoại giao
Đề cập đến truyền thống ngoại giao, Phó Thủ tướng cho hay ngành ngoại giao có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và Người là Bộ trưởng đầu tiên. Tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh luôn là ngoại giao tâm công, linh hoạt, dĩ bất biến, ứng vạn biến.
Trong suốt 70 năm qua, mỗi thời kỳ, ngoại giao đều phải đối mặt với những khó khăn, thuận lợi, thách thức nhất định nhưng thời kỳ nhiều khó khăn thách thức là giai đoạn từ sau 1975 đến 1990, khi chúng ta bị bao vây cấm vận. Các thế lực thù địch từ nhiều phía ra sức chống phá Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến vấn đề an ninh, dân chủ, nhân quyền. Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng bị cô lập do chính sách bao vây của các nước.
Trong bối cảnh đó, do các cuộc tiếp xúc, viếng thăm hạn chế nên quan hệ kinh tế, thương mại không được mở rộng trong khi chúng ta rất cần nguồn lực để xây dựng, kiến thiết phát triển đất nước.
Mục tiêu của ngoại giao lúc đó là phá vỡ thế bao vây cấm vận để không những duy trì được môi trường hòa bình mà còn tạo nguồn lực cho đất nước phát triển. Với những nỗ lực và sự lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết 13 ra đời với mục tiêu đổi mới tư duy về đối ngoại, tăng bạn bớt thù, hay chuyển từ đối đầu sang hợp tác phát triển, qua đó, giải quyết vấn đề Campuchia, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với các nước ASEAN, các nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ. Đây cũng là tiền đề để chúng ta thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa.
Ngày nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên tổng số 193 thành viên của LHQ. Quan trọng hơn, Việt Nam đã thiết lập các khuôn khổ quan hệ, trong đó có các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ đối tác hợp tác.
Theo Phó Thủ tướng, hiếm có một nước nào trên thế giới xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước thường trực của HĐBA LHQ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh về chiến lược gay gắt như hiện nay, đòi hỏi phải có một đường lối chính sách đối ngoại phù hợp để đảm bảo không bị lôi kéo vào bất cứ cuộc xung đột nào. Với Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là phát triển quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối đa của dân tộc nhưng đồng thời giữ được quan hệ với tất cả các nước.
Bài học ngoại giao
Theo Phó Thủ tướng, một trong những bài học của ngành ngoại giao trong 70 năm qua là giữ vững độc lập, tự chủ trong đường lối chung cũng như đường lối đối ngoại. Điều này được thể hiện rõ nét trong các cuộc đàm phán Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris.
Trong quan hệ quốc tế, điều quan trọng là Việt Nam phải đánh giá được, biết được tình hình để có chủ trương đúng đồng thời linh hoạt để tránh việc các nước lớn có thể thỏa thuận những vấn đề bất lợi đối với chúng ta.
Thứ hai, đặt lợi ích dân tộc cao nhất theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong đó cái bất biến là lợi ích dân tộc.
Bài học thứ ba, theo Phó Thủ tướng, là sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để giành được sự ủng hộ của quốc tế dựa trên lập trường chính nghĩa, sự hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình. Đây là bài học xuyên suốt từ khi thành lập nước cho đến nay, kể cả trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền.
Trong quan hệ quốc tế, nước nào có tiềm lực kinh tế mạnh, khả năng đóng góp tài chính lớn, hay tiềm lực quân sự mạnh thường có vai trò, vị thế, tiếng nói lớn nhưng ngược lại, có nước mặc dù tiềm lực không mạnh, dân số không nhiều nhưng vẫn có tiếng nói nếu có đóng góp cụ thể vào công việc chung của thế giới, được ghi nhận.
Vấn đề Biển Đông
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam có chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, có đầy đủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế theo đúng luật pháp quốc tế.
Quan điểm của Việt Nam, được các nước ủng hộ, là giải quyết vấn đề chủ quyền phải hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Biển Đông là quan tâm chung của các nước trong khu vực và thế giới, bởi đây là con đường giao thương huyết mạch, chiếm khoảng 50% thương mại toàn cầu.
Theo Phó Thủ tướng, cái bất biến là phải bảo đảm hòa bình ổn định và lợi ích chủ quyền, còn vạn biến là phải tìm ra những biện pháp hợp tác trên nguyên tắc không ảnh hưởng đến chủ quyền, giảm thiểu xô xát trên biển. Việt Nam phản đối những hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
Liên quan đến ý kiến cho rằng Việt Nam phải liên minh để bảo vệ chủ quyền, Phó Thủ tướng khẳng định kinh nghiệm cho thấy chúng ta phải độc lập, tự chủ; bảo vệ chủ quyền an ninh bằng sức mạnh tổng hợp; không đi với nước này để chống nước kia. Chính sách của Việt Nam là quan hệ tốt với các nước để tạo ra môi trường hòa bình, ổn định.
Theo Hải Minh (Chinhphu.vn)