Khi kẻ trộm là người thân
Khi phát hiện mất tài sản thì bị hại tá hỏa báo CA. Thế nhưng khi biết thủ phạm là người nhà, người thân của mình, không ít nạn nhân lại tìm cách bưng bít thông tin với cơ quan điều tra. Điều này gây không ít trở ngại cho việc điều tra, xử lý của cơ quan CA.
Mới đây nhất là vụ trộm cắp tài sản xảy ra tại xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ. Chiều ngày 1.8, CA huyện Phù Mỹ nhận tin báo của bà Hà Thị T. (trú ở địa phương trên) là kẻ gian đã đột nhập vào nhà, cạy khuy khóa cửa buồng, vào bên trong lục tủ đựng quần áo lấy 45 triệu đồng. Sau khi nhận tin báo, CA huyện Phù Mỹ và các phòng nghiệp vụ CA tỉnh đã tổ chức bảo vệ hiện trường, điều tra ban đầu. Ngay lúc lực lượng chức năng đang tiến hành khám nghiệm hiện trường thì người nhà nạn nhân cho biết đã tìm được số tiền. Nguyên nhân là do tủ bị hở nên tiền rơi xuống khe hở đó.
Tuy vậy, thực tế là trước đó, bà T. đã tìm kiếm rất nhiều lần nhưng không thấy. CA khám nghiệm hiện trường tại nơi mất tài sản cũng không thấy tủ có khe hở to đến mức tiền có thể rơi ra. Từ đó, cơ quan chức năng nhận định, nhiều khả năng, người nhà nạn nhân đã trộm cắp, sau đó thấy lực lượng CA tiến hành điều tra sợ bại lộ nên đã tự giác để tiền vào chỗ cũ.
Cũng đầu tháng 8 vừa qua, CA phường Đống Đa, TP Quy Nhơn cũng nhận tin báo bà Phan Thị H. (ở địa bàn phường) bị mất hơn 40 triệu đồng. Theo lời bà H., kẻ gian đột nhập vào nhà giữa ban ngày để lấy tài sản. Bà khóc than: “Đây là số tiền mà tôi dành dụm mấy năm trời, mong CA sớm điều tra làm rõ, để có thể lấy lại tiền”. Tuy nhiên, trong lúc ngành chức năng đang tiến hành điều tra thì bà H. báo lại là đã tìm được số tiền, đã biết được người lấy song mong cơ quan CA bỏ qua việc này, coi như bà... chưa trình báo vụ việc với lý do không muốn làm ảnh hưởng đến người đã trả tiền lại.
NHẬT LINH