Những bà mẹ quê
Thế giới ngày một “phẳng” hơn. Vì vậy, nhiều người có thể có thêm những cơ hội để được học hành, vui chơi, đi lại, giao lưu, sinh sống... ở nhiều nơi và với nhiều người. Trong đó, có những bà mẹ quê.
Tôi thích bay chuyển tiếp, vì đó là một cơ hội để có thể nhìn ngắm, trải nghiệm về nơi dừng chân, cho dù tổng thời gian của chuyến đi lúc nào cũng dài hơn những chuyến bay thẳng. Và tất nhiên, đi kèm là sự mệt mỏi. Trong những chuyến đi ấy, điều tôi gặp thường xuyên là những bà mẹ quê và thật sự cũng muốn lắng nghe những chia sẻ của họ trong khi chờ nối chuyến.
Nhiều bà mẹ quê lần đầu ra nước ngoài thăm con, chăm cháu. Vì không biết ngoại ngữ, lại đi một mình, đồ đạc thì nhiều nên lúng túng và luôn nhìn, luôn tìm “đồng hương” để đi theo, làm theo. Nỗi lo lắng ấy, tâm trạng ấy chắc cũng xảy ra với nhiều người khi lần đầu đi máy bay.
Có nhiều bà mẹ quê tâm sự rất thật, rất chân tình và mình thấy được sự lo lắng trên khuôn mặt của họ sau khi đã được con cái chở ra sân bay, lấy vé và những bước tiếp theo họ phải tự làm. Đó là chưa kể đến những rắc rối, trở ngại bắt nguồn từ nhân viên hàng không và những bà mẹ quê không thể hiểu nhau. Lúc này, loa luôn phát đi thông báo tìm người phiên dịch. Tôi cũng nhiều lần “ra tay” để hỗ trợ nhiều tình huống như thế này với đồng hương người Việt.
Khi xong chuyện rồi, các bà mẹ quê thường tâm sự về mục đích của chuyến đi, về con cái của họ, về gia đình. Có bà mẹ sinh 4 người con và con của mẹ - người học nước ngoài, người đã có việc làm ổn định. Mẹ bảo, mẹ chẳng học hành gì nhiều và không dạy bảo con cái nhiều. Nhưng, “may” là con cái ít nhiều cũng đã nên người.
Lại có bà mẹ quê tâm sự được con cái mời ra nước ngoài trong dịp con cái chuẩn bị tốt nghiệp. Con của mẹ hỏi mẹ muốn ăn gì, mua gì, thích đi mua sắm ở đâu, ngắm cảnh đẹp nào... Nhưng, mẹ đều lắc đầu vì mẹ chỉ có một mong muốn là được tham dự vào buổi bảo vệ luận án của con và nghe con “nói tiếng Anh”. Mẹ bảo, biết con có nhiều thành tích trong nghiên cứu, biết con đã nói tiếng Anh ở nhiều nơi nhưng mẹ chưa bao giờ được nghe trực tiếp và giờ chỉ muốn thế thôi dù mẹ không hiểu gì. Ôi, ước mơ đó đơn giản làm sao.
Và tôi hiểu, với các mẹ thì bộ áo bà ba, cái nón lá, chiếc xe đạp đã đưa mẹ ra ruộng, lên non, đi chợ. Bao nhiêu năm nay vẫn thế và chắc những thứ ấy cũng còn theo các mẹ nhiều năm nữa. Vậy thì, mẹ cần gì đến hàng hiệu hay Iphone? Con cái các mẹ thành công và cho dù đã trải qua những cố gắng, những nỗ lực thì chắc không thể nào phủ nhận đã từng được trải qua, được nuôi lớn bằng hạt gạo quê, con cá đồng hay bát canh rau mẹ nấu.
Những bà mẹ quê - ai đó có thể cho là quê mùa, chậm chạp. Nhưng với tôi, họ là những người tuyệt vời. Họ đã chắp cánh cho con cái của họ được bay cao, bay xa, dù quanh năm họ luôn quanh quẩn ở quê nhà.
NGUYỄN QUỐC VỸ