Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa: Không ngừng sáng tạo trên từng tác phẩm
Là tác giả duy nhất của Bình Ðịnh có tác phẩm đoạt giải tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên (NMT-TN) lần thứ 20 - năm 2015, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa một lần nữa khẳng định khả năng và tâm huyết của mình trên bước đường sáng tạo nghệ thuật.
Tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực NMT-TN lần thứ 20 có gần 200 tác phẩm của 185 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội VHNT đến từ các tỉnh trong khu vực NMT-TN. Riêng đoàn Bình Định có 16 tác phẩm của 13 tác giả tham gia. Trong đó, tác phẩm “Tương tác” (chất liệu đá, sắt) của Lê Trọng Nghĩa đã đoạt giải Khuyến khích. Anh cho biết, mặc dù giải thưởng không cao, nhưng đó là niềm động viên, khích lệ, tiếp thêm năng lượng và niềm tin vào con đường sáng tạo nghệ thuật mà anh đang theo đuổi.
* Anh có thể giới thiệu cùng bạn đọc đôi điều về tác phẩm đoạt giải của mình?
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa sinh năm 1970, là thạc sĩ Nghệ thuật thị giác, giảng viên Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Bình Ðịnh. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Ðịnh. Anh đã được nhận Giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam - năm 2013. Tác phẩm “Ký ức trong niềm bao bọc” (chất liệu gỗ, sắt) đoạt giải B (không có giải A) tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2013.
- “Tương tác” là tác phẩm lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc giếng làng ngày trước, gợi nhắc về một thời xưa cũ, cổ kính đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ bởi sự phát triển ồ ạt của đô thị hóa. Bằng việc sử dụng kết hợp 2 chất liệu đối lập là đá và sắt, tôi muốn tạo ra một cảm giác va đập, đan xen giữa cái bền lâu ngàn đời - những nét đẹp giàu giá trị truyền thống với sự phát triển đương đại. Sự đối lập, đan xen cùng tồn tại như hòa quyện bền chặt, tôn tạo nhau... Đó chính là sự “tương tác” giữa mới và cũ, giữa nhịp sống sôi động, hối hả và sự trầm lắng, tĩnh lặng. Sâu xa hơn là những khía cạnh đa chiều, những góc khuất tâm hồn ẩn đằng sau những mảnh đời, số phận hiển lộ quanh ta.
* Từ những kết quả trong sáng tác, anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm và yếu tố cần thiết để tạo nên thành công với bạn đọc - đặc biệt là lớp trẻ yêu thích nghệ thuật?
- Có thể nói, sáng tác mỹ thuật là một lĩnh vực gian khó. Để làm nên sự thành công, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một niềm đam mê lớn và bản lĩnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân phải luôn tìm tòi, sáng tạo, cố gắng trau dồi kiến thức và làm mới mình. Phải mạnh dạn tiếp cận với cái mới - có thể là cách tư duy sáng tạo, nội dung đề tài, kỹ thuật và phương thức thể hiện... Và cuối cùng là cần phải có sự kiên trì, miệt mài lao động.
* Là người tham dự Triển lãm và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, anh có thể cho biết nhận định của mình về hoạt động mỹ thuật khu vực NMT-TN nói chung và Bình Định nói riêng?
- Thật khó để khẳng định xu hướng mỹ thuật hiện nay là gì. Bởi bản chất của nghệ thuật là sự đổi mới và sáng tạo không ngừng. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ, nhà điêu khắc luôn tồn tại song song giữa nền tảng truyền thống và những cách tân táo bạo. Gần đây, nhiều tác phẩm mỹ thuật đã đổi mới theo cách trưng bày kiểu nghệ thuật sắp đặt, thỏa mãn nhãn quan và tạo sự mới mẻ về hình thức, chất liệu....
Khách quan mà nói, hoạt động mỹ thuật khu vực NMT-TN nói chung và Bình Định nói riêng vẫn còn khá trầm lắng so với mặt bằng chung cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp cụ thể và sự quan tâm kịp thời của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội VHNT tỉnh, phong trào mỹ thuật Bình Định đã có nhiều khởi sắc. Nhiều triển lãm của hội, đoàn thể, cá nhân đã thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia, với sự cải thiện đáng kể về số lượng và chất lượng. Hy vọng rằng, với nhiều nỗ lực, hoạt động mỹ thuật Bình Định có thể hòa vào “dòng chảy” chung của khu vực và cả nước trong tương lai gần nhất.
* Xin cảm ơn anh!
KIM CƯƠNG (Thực hiện)