Trong vòng vây mất an toàn thực phẩm
Heo bị ăn thức ăn tăng trọng, chất tạo nạc cấm sử dụng. Thịt bò bơm nước, cá ướp phân u rê hay bị tẩy trắng. Rau trái tồn dư lượng hóa chất quá mức cho phép. Nguy hại thực phẩm bẩn đang bủa vây người tiêu dùng.
Mua gì cũng lo
Sống gần nhà một người chuyên bán hóa chất, anh T.Đ (45 tuổi, ở đường Trần Hưng Đạo) thường xuyên thấy vợ chồng nhà nọ đến mua một loại hóa chất tẩy trắng. Chạm mặt riết rồi quen, lần hồi họ giới thiệu là chủ một lò hấp cá ở phường Hải Cảng, Quy Nhơn. Anh Đ. tò mò hỏi: “Nghề của ông cần gì mà mua hóa chất hoài vậy?”, thì ông chủ lò hấp cá trả lời thật tình: “Tôi mua hóa chất này đổ vào trong nước trụng cá. Có vậy con cá mới trắng và để được lâu hơn. Nếu không có nó con cá hấp lên đen thui, khách chê không mua, mà để qua ngày sau bán cũng không được nữa”. Từ lúc nghe ông chủ lò cá nói, anh Đ. dặn vợ đừng mua cá, mực hấp ở ngoài chợ về ăn nữa, dẫu đó là món khoái khẩu của gia đình.
Chuyện cá bị ướp phân u rê cho tươi, cá hấp bị tẩy trắng cho bắt mắt tôi nghe phong phanh từ lâu, song từ lúc được anh Đ. kể câu chuyện trên, tôi luôn chần chừ mỗi khi đứng trước hàng cá hấp. Thay vì mua cá hấp nhiều như trước, tôi chuyển sang mua cá tươi vậy.
Đi chợ thời buổi này, chẳng cứ gì tôi mà những người nội trợ khác cũng đắn đo, cân nhắc nên mua thức gì đỡ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhất. Rau, củ quả bị phun nhiều thuốc trừ sâu, thuốc kích thích hay thuốc giữ độ bóng, đẹp. Thịt heo nghi có chất tạo nạc, chứa các hóa chất cấm dùng. Thịt bò bị bơm nước vào cho nặng cân. Người mua thịt bò chắc chẳng lạ gì trước hình ảnh khay thịt bò lúc nào cũng có nước. Thịt xắt sẵn từ chợ mang về, để một lúc nước đỏ chảy ra không ít. Thì ra, để tăng lợi nhuận, chủ lò mổ đã bơm “no nước” vào con bò trước khi mổ thịt. Một nhân viên thú y cho biết, chủ một lò mổ phân bua với anh rằng, nếu không bơm nước vào bò thì bán ít lời lắm (!).
Thậm chí, đến các loại trái cây như mít, sầu riêng tưởng như không bị lạm dụng chất cấm- hiện người ta cũng bơm hóa chất vào cho nhanh chín, tạo độ ngọt. Bà Nguyễn Thị Mười, chuyên mua bán mít ở chợ Khu 2 (đường Phạm Ngọc Thạch, Quy Nhơn), cho biết: “Mấy tháng trước tôi bán ở chợ Đầm có thanh niên đến hỏi tôi có muốn mua hóa chất về bơm vào mít cho mau chín không, giá 3.000-5.000 đồng/liều, tôi liền la cho một trận, dọa báo với công an làm anh ta sợ đi mất. Tôi chuyên mua bán mít vườn từ Phù Mỹ về Quy Nhơn, một năm bán có mấy tháng, đâu thể làm chuyện trái lương tâm như vậy được”.
Nhận diện thực phẩm sạch
Tôi hỏi các bà nội trợ, liệu có cách nào để giảm bớt được nguy cơ mất an toàn từ thực phẩm mang lại hay không. Phần lớn lắc đầu: “Sao mà được, chủ yếu vẫn là đặt lòng tin vào người bán mà thôi. Mình chẳng qua chỉ lựa thực phẩm thông qua một số cách thức phân biệt học được và bằng cảm quan”. Chẳng hạn như khi mua rau củ quả, không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, quá mướt, lá bóng mà nên chọn màu xanh nhạt, cây rau có vẻ hơi “khằn khằn” một tí. Còn rau ăn ngọn (rau lang, rau muống, đọt bầu bí) không nên ham những bó có ngọn vươn ra quá dài, vì rất có thể rau đã bị phun thuốc kích thích sinh trưởng quá liều.
Để mua được thịt “sạch”, bà Lê Thị Vân, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Thú y tỉnh, khuyến cáo người tiêu dùng nên mua thịt có dấu kiểm dịch thú y, mua tại siêu thị có chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc mua của các bạn hàng quen, tin cậy. Về cách thức nhận diện “thịt sạch”, bà Vân cho hay: “Nên chọn miếng thịt có độ dẻo dính, đàn hồi. Nếu thịt được ướp bằng hàn the hoặc urê sẽ có cảm giác miếng thịt cứng, không có độ dẻo dính. Cũng không nên chọn thịt quá nạc có màu đỏ tươi, lớp mỡ mỏng, lớp nạc kề sát da, bắp vai, bắp đùi có nhiều cục nạc u lên vì chắc chắn heo đã bị cho ăn chất tạo nạc”.
Một số gia đình tôi quen đã chọn giải pháp tích cực trồng rau sạch tại gia nhờ tận dụng vào các khoảnh trống trong vườn, sân thượng. Dẫu chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của gia đình song hạn chế được chút nào hay chút ấy. Ông Lê Tấn Đài (88 tuổi, ở số 4A Đào Duy Từ, Quy Nhơn) cho biết, từ ngày ăn rau nhà tự trồng, ông ít bị đau bụng hơn so với thường xuyên ăn rau mua ngoài chợ.
Và để thải độc tố đã nạp vào người, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên nên tích cực dùng tỏi, nghệ, gừng, uống nhiều nước lọc, uống chè xanh, nước chanh ấm pha mật ong, ăn nhiều rau xanh, dùng nhiều trái cây hệ cam, quýt, chanh. Trong ma trận thực phẩm mất an toàn như hiện nay, âu đó cũng là cách thải loại bớt độc tố đã đưa vào người qua con đường ăn uống.
Một số cách làm giảm độc tố trong thực phẩm
- Không nên mua những loại củ quả được gọt sẵn ngoài chợ vì chúng không đảm bảo và những người bán có thể gọt bỏ đi những củ sâu bệnh để gọt chung vào đó, đồng thời nước ngâm hoa quả của họ không được đảm bảo vệ sinh, có thể khiến nhiều vi sinh vật bám vào đó.
- Khi nấu, luộc rau không nên đậy vung lại, cần phải mở vung vì làm vậy vừa giúp rau được xanh hơn, và vì những chất hóa học thuốc trừ sâu còn sót lại có thể bay hơi ra ngoài khi ở nhiệt độ cao.
- Khi có thời gian và điều kiện, bạn có thể chần rau củ qua nước sôi trước rồi đổ nước đi để loại bỏ bớt các thuốc trừ sâu và vi sinh vật bám trong rau củ, sau đó bắc nồi canh nấu như bình thường, sẽ đảm bảo vệ sinh sạch sẽ hơn.
NGUYỆT NHƯ