Vui mùa lúa, được mùa rơm
Thời điểm này, lúa vụ Thu ở Hoài Nhơn đang chính vụ thu hoạch. Ngoài tất bật với công việc thu hoạch lúa, bà con còn huy động hết nhân lực trong gia đình ra đồng thu gom rơm rạ dự trữ chăn nuôi hoặc bán lại cho các thương lái, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
1.
Vài năm trở lại đây, rơm trở nên có giá, được nhiều người tranh mua để trồng nấm, chăn nuôi gia súc, đệm lót trứng, trái cây… Từ một loại phế phẩm bị cào dọn, đốt bỏ, rơm được “săn đón” và mang về không ít niềm vui cho người nông dân sau mỗi mùa gặt.
“Theo thống kê, huyện hiện có trên 23.000 con trâu, bò, hàng chục gia trại trồng nấm rơm, 1 cơ sở nhân bào tử nấm từ rơm, nhiều đại lý trứng gia cầm, tư thương chuyên thu mua trái cây… Nhu cầu rơm lớn đã góp phần đẩy giá rơm tăng cao. Ðiều này giúp cho bà con nông dân có thêm thu nhập, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”.
Ông THÁI VĂN BỒNG, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Nhơn
Trung tuần tháng 8, chị Phan Thị Chi (thôn Khánh Trạch, xã Hoài Mỹ) lúi húi gom, bó những lọn rơm vàng óng trên thửa ruộng vừa thu hoạch. Chị phấn khởi cho hay: “Lúa vụ này được mùa, rơm lại càng được giá nên bà con ai cũng mừng. Gia đình tôi có 7 sào rơm đã phơi khô. Mới đây, thương lái ở huyện Phù Mỹ hỏi mua với giá 300 ngàn đồng/sào rơm, nhưng gia đình chưa đồng ý bán”.
Cứ tưởng cơn mưa dông kèm theo gió mạnh làm ngã rạp hơn 4 sào lúa là nỗi buồn của gia đình, vậy mà nhờ khoản thu từ rơm, bà Lê Thị Mươi (thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân) lại lạc quan hơn hẳn. Bà hồ hởi kể: “Lúa ngã nên gia đình tôi phải thu hoạch bằng phương pháp truyền thống, tốn nhiều công, nhưng bù lại là có lượng rơm đều, không bị dập nát. Tư thương tranh mua tới 400 ngàn đồng/sào, tôi có thêm tiền trang trải hao hụt và công cán”.
2.
Theo lý giải của người dân, giá rơm cao hơn so với mọi năm là do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài làm cho lượng cỏ trồng và cỏ tự nhiên hầu như bị khô cháy, khiến người chăn nuôi lao đao về nguồn thức ăn xanh cho đàn đại gia súc. Ngoài tận thu rơm rạ của ruộng mình, những hộ nuôi từ 4 - 5 con bò còn phải đi hỏi các chủ ruộng để đặt mua ngay từ đầu vụ nhưng nhiều lúc không cạnh tranh được với tư thương mua rơm về lót trái cây. Bà Lê Thị Minh, nhà xe và cũng là thương lái chuyên thu mua trái cây lớn ở huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: “Nghề thu mua trái cây cần rơm nhiều để tránh bị dập, xây xát khi vận chuyển xa. Mùa gặt nào, vợ chồng tôi phải tạm dừng mọi công việc để đi mua vài hecta rơm dự trữ, chuẩn bị cho những chuyến hàng ra Lạng Sơn hoặc vào TP Hồ Chí Minh”.
Ước tính, huyện Hoài Nhơn có trên 20 tư thương chuyên thu gom rơm dự trữ, bán lại cho các chủ trang trại chăn nuôi trâu bò, trồng nấm, trồng kiệu ở một số địa phương trong tỉnh. Ông Mai Ngọc Cang, ở xã Hoài Mỹ có gần 5 năm làm nghề mua rơm, so sánh: “Khác với mấy năm trước, bà con đến tận nhà kêu bán rơm và chịu luôn công bốc rơm, năm nay, tiểu thương phải chấp nhận theo giá của bà con, chịu toàn bộ công bốc dỡ. Trước đây, mỗi ngày tôi mua từ 7-8 xe, nay tích cực lắm thì được 2-3 xe/ngày; giá lại đội lên gấp đôi, gấp ba”.
Việc người nhà từ chối công bốc dỡ rơm cho tiểu thương đã tạo việc làm cho không ít lao động nông nhàn ở địa phương. Lao động có sức khỏe và “kỹ thuật” chất rơm “đắt sô” trong những ngày mùa này. Anh Trương Đình Hơn, người chất rơm cho ông Cang, chia sẻ: “Nếu chưa có kinh nghiệm thì phải mất 4 tiếng đồng hồ mới chất được một xe tải rơm 5 sào với giá 400 ngàn đồng/4 công. Thành thạo việc như nhóm của chúng tôi thì một ngày chất được từ 5 đến 6 xe. Trung bình cả vụ, anh em cũng kiếm được 4-5 triệu đồng/người tiền chất rơm thuê”.
BẢO SƯƠNG - ÁNH NGUYỆT