Từ chuyện khai giảng
Chuyện năm nay ngành giáo dục sẽ đồng loạt khai giảng ở bậc học phổ thông vào ngày 5.9 đã trở thành đề tài thời sự những ngày qua. Ngày 5.9 là ngày có ý nghĩa đặc biệt với ngành giáo dục việt nam, khi nhà nước đã chọn ngày này là “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Vì vậy, đề xuất năm nay đồng loạt khai giảng vào ngày 5.9 đã được dư luận xã hội đồng tình hưởng ứng, thậm chí coi là một đổi mới quan trọng trong lĩnh vực giáo dục.
Thực ra đây không phải là chuyện mới vì từ nhiều năm trước việc khai giảng năm học mới đã là như vậy. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên ngày khai giảng đã được chuyển qua, xịch lại tùy theo sự chọn lựa của một số trường “cá biệt” để rồi trở thành phổ biến trong những năm gần đây.
Chúng ta đều biết, cách đây 70 năm ngay trong những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đến toàn thể học sinh nhân năm học mới bắt đầu. Ngay đoạn mở đầu bức thư viết: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Tiếp đó Người dặn dò “Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”, và nhấn mạnh “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Bức thư kết lại “Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”.
Đọc bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết gửi học sinh từ 70 năm trước, chúng ta mới ngộ ra rằng có những điều tuy đơn giản nhưng có ý nghĩa tốt đẹp đã có từ lâu, đã ăn sâu vào trong tâm trí của mỗi người đã bị “biến tấu” thành những thứ khác và mất đi giá trị đích thực của nó. Ngày khai trường là một trường hợp cụ thể. Vì vậy, việc chủ trương tổ chức ngày khai giảng trở thành ngày hội cho các em học sinh, để khi bước vào năm học mới “các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn” và để rồi sau đó là “một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp” là điều hết sức nên làm.
Hy vọng rằng ngày khai giảng năm nay sẽ mang lại không khí mới mẻ cho năm học mới!
HẢI ÐĂNG