Nhà xe dễ gắn nhầm hộp đen dỏm
Từ ngày 1-7, những dữ liệu trích xuất từ hộp đen sẽ là căn cứ để xử lý các xe khách, xe tải vi phạm.
Từ ngày 1-7, các xe khách, xe chở container, taxi… không gắn thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen); gắn hộp đen không đúng chuẩn hoặc không hoạt động được sẽ bị phạt 2,5 triệu đồng. Cũng từ thời điểm này, những dữ liệu trích xuất từ hộp đen sẽ là căn cứ để các đơn vị chức năng xử phạt “nguội” các xe vi phạm.
Phập phù chất lượng
Trên thị trường hiện có rất nhiều chủng loại hộp đen. Có thiết bị giá tới 8-9 triệu đồng nhưng cũng có cái chỉ hơn 2 triệu đồng. Nguyên nhân là theo quy chuẩn, hộp đen phải đáp ứng đủ sáu tiêu chí nhưng nhiều nhà cung cấp lại “lược bớt” để giảm giá thành.
“Cùng một loại hộp đen nhưng nhiều khi sản phẩm đăng ký cho cơ quan chức năng lại không đồng nhất với sản phẩm bán ra. Lắm khi mẫu đăng ký có 10 tính năng nhưng sản phẩm bán ra chỉ còn 7-8 nhằm hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh” - một đơn vị cung cấp cho hay.
Theo Thanh tra Bộ GTVT, trên thực tế có một số nhà xe không quan tâm đến chất lượng, tính năng của hộp đen mà chỉ gắn để đối phó. Chắc chắn các nhà xe đó sẽ chọn loại rẻ tiền nhất, không cần biết chất lượng ra sao. Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp đặt chất lượng của hộp đen lên hàng đầu nhưng lại mua nhầm hàng dỏm do không am hiểu về kỹ thuật.
“Chúng tôi chủ động gắn hộp đen trước khi có quy định nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý doanh nghiệp. Khi mua hàng, công ty luôn chọn những đơn vị nằm trong danh sách do Bộ GTVT công bố. Vậy mà khi sử dụng một thời gian, chúng tôi thấy nhiều hộp đen có chất lượng kém, hoạt động không chính xác” - ông Hà Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Vận tải Sơn Hà, thắc mắc.
Lỡ gắn hàng dỏm: Phải khắc phục ngay
Kết quả thanh tra (đợt 1) việc cung cấp, kinh doanh hộp đen mới đây của Bộ GTVT đã cho ông Sơn câu trả lời. Trong 10 doanh nghiệp được thanh tra, có tới bảy đơn vị có sai phạm khi cung cấp ra thị trường hộp đen không đủ tính năng theo quy định, không thể theo dõi, trích xuất đầy đủ các thông tin bắt buộc, gian lận trong kê khai nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa… Bộ GTVT đã thu hồi giấy chứng nhận hợp quy của các công ty Vạn Xuân, Sao Việt và Tân Á Châu.
Trong tháng 6 và 7, Thanh tra Bộ GTVT tiếp tục kiểm tra 42 doanh nghiệp cung cấp hộp đen còn lại. Với tình hình hiện nay, nhiều khả năng sẽ thêm một số đơn vị cung cấp khác bị thu hồi giấy chứng nhận hợp quy. Với những trường hợp gắn nhầm hộp đen không đạt chuẩn, Bộ GTVT yêu cầu phải khắc phục ngay lỗi của các hộp đen đã gắn nhằm đảm bảo theo dõi, trích xuất đầy đủ các thông tin bắt buộc.
Theo một chuyên gia, để xác định được các tiêu chí kỹ thuật của hộp đen trước khi lắp đặt, khách hàng nên mở trang web vận hành thử nghiệm để đánh giá sự kết nối của đường truyền. Từ đó sẽ kiểm tra cụ thể được các thông số theo tiêu chí của Bộ GTVT. Khách hàng cũng cần kiểm tra cổng kết nối với máy in xem đèn hiển thị có hoạt động tốt không. Nếu đèn không báo sáng thì thiết bị đã bị lỗi.
Khi đã lắp đặt và vận hành, các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị. Đã có trường hợp không đóng tiền duy trì SIM card nên thiết bị không thông báo tin nhắn kịp thời khi có sự cố hoặc cảnh báo cho lái xe khi xe đang lưu thông.
Dùng hộp đen kiềm chế TNGT
Hiện cả nước có khoảng 48.000 xe khách, xe tải, xe buýt… thuộc diện phải gắn hộp đen. Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, hầu hết các vụ TNGT trong tháng 5 đều có liên quan đến các xe nằm trong diện phải gắn hộp đen. Dữ liệu trích xuất từ hộp đen của nhiều hãng xe khách cho thấy tình trạng chạy quá tốc độ diễn ra thường xuyên. Bình quân xe khách chạy quá tốc độ 22 lần/ngày, xe buýt bảy lần/ngày… Cá biệt có xe vi phạm tốc độ đến 300 lần/ngày và chạy đến 126 km/giờ (trong khi tốc độ tối đa chỉ 80 km/giờ).
Để kiềm chế TNGT, từ ngày 1-7 các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên trích xuất các dữ liệu trong hộp đen, nhất là dữ liệu về tốc độ, làm căn cứ xử phạt vi phạm. “Tùy mức độ vi phạm sẽ thu hồi, không cấp phù hiệu cho xe khách, thậm chí tước giấy phép hoạt động của các đơn vị nhiều lần sai phạm” - Bộ GTVT yêu cầu.
. Theo PLTP