Thêm góc nhìn tôn vinh danh nhân Ðào Tấn
Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Hội thảo Kỷ niệm 170 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Ðào Tấn (1845 – 2015). Qua đó, có thêm nhiều ý kiến về vị hậu tổ tuồng, tạo thêm cơ sở hướng đến vinh danh soạn giả Ðào Tấn ở tầm quốc tế.
* NSND LÊ TIẾN THỌ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Tôn vinh danh nhân Đào Tấn ở tầm quốc tế
Hầu hết các đơn vị nghệ thuật tuồng trong cả nước đều dàn dựng biểu diễn kịch bản tuồng Đào Tấn, bởi đây là những tác phẩm truyền thống, mẫu mực, đem lại cái hay cái đẹp, sức hấp dẫn cho nghệ thuật tuồng. Trên con đường giữ gìn vốn quý của tiền nhân, chúng ta cần tiếp tục khẳng định tầm vóc và giá trị nghệ thuật của Đào Tấn mang tầm quốc tế.
Muốn thế giới đánh giá và tôn vinh Đào Tấn, thì trước tiên trong nước phải có nhiều việc làm khẳng định và nâng cao những đóng góp của ông. Bộ VH-TT&DL cần chỉ đạo tổ chức đưa Liên hoan sân khấu Tuồng Đào Tấn vào liên hoan định kỳ, tổ chức hội thảo quốc tế về danh nhân Đào Tấn; giao cho các đơn vị chức năng xây dựng Đề án Bảo tàng Đào Tấn. Đầu tư đưa giải thưởng Đào Tấn mang tầm quốc gia, Nhà hát tuồng Đào Tấn có phòng nghiên cứu chuyên sâu có kinh phí và chức năng hoạt động. Ngoài ra, cần đưa vào giáo trình giảng dạy văn hóa nghệ thuật ở các trường đại học về thơ - từ và kịch bản tuồng Đào Tấn.
* Thạc sĩ NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh: Cần chuyển ngữ các vở tuồng Đào Tấn
Chuyển ngữ các vở tuồng Đào Tấn sang các dạng ngôn ngữ quốc tế khác, đặc biệt là tiếng Anh được xem là giải pháp hữu ích để quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè quốc tế. Có thể thấy minh chứng qua chương trình nghệ thuật “Nụ cười Angkor” sân khấu hóa lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Campuchia, được các nhà sản xuất Khmer chuyển ngữ qua tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Việt để phục vụ du khách, từ đó nổi tiếng khắp thế giới.
Việc chuyển ngữ tuồng Đào Tấn giúp du khách ở nước khác có thể thưởng thức nét văn hóa đặc trưng Việt Nam, cũng như quảng bá nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Cần tìm những người giỏi về ngôn ngữ và hiểu về văn hóa của từng nước, trân trọng tác phẩm tuồng Đào Tấn để chuyển ngữ sao cho khi khán giả nhìn và nghe là thấu hiểu được giá trị nghệ thuật. Sau khi chuyển ngữ thành công các vở tuồng Đào Tấn, việc số hóa và liên kết ký gửi dữ liệu này tại các thư viện lớn của thế giới, nhất là thư điện tử để quảng bá, giới thiệu rộng rãi về loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam.
* Nhạc sĩ MAI TUYẾT HOA, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam: Đào Tấn có nhiều sáng tạo quan trọng trong âm nhạc tuồng
Hát bội (tuồng) xưa nói nhiều hơn hát, nhưng đến thời Đào Tấn thì vai trò âm nhạc và ca hát được tăng lên. Về âm nhạc tuồng, Đào Tấn đã có những sáng tác mới làm phong phú thêm cho làn điệu tuồng, đồng thời làm gia tăng lối hát cho thanh, cho ngọt, tạo thêm tính hấp dẫn cho người nghe. Ông Trương Bỉnh Tòng, Nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng ở Nam bộ, đã nhận định rằng: “Sở dĩ tuồng Bình Định hát hay nhất nước vì thầy (Đào Tấn) rất quan tâm đến yếu tố âm nhạc và ca hát…”.
Điều này, chúng tôi làm âm nhạc dân tộc, hát dân ca rất tâm đắc và thấy rằng phải học tập ở cụ Đào Tấn nhiều hơn nữa, trên nhiều mặt từ sáng tác văn học đến âm nhạc, ca hát. Việc này không chỉ học một lúc, một thời mà phải học ông cả đời. Cũng có thể nói rằng, chỉ sáng tạo về mặt âm nhạc và ca hát thôi, Đào Tấn đã là bậc tổ sư của sân khấu dân tộc.
* Ông NGÔ ĐÔNG HẢI, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tìm cách bảo tồn và phát huy tốt hơn di sản vô giá của danh nhân Đào Tấn
Qua Hội thảo, đề nghị các cơ quan văn hóa, khoa học và truyền thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và cả nước phối hợp giới thiệu, quảng bá sâu rộng, hiệu quả hơn nữa về danh nhân Đào Tấn ở cả trong và ngoài nước. Thống nhất với ý kiến đề xuất của Giáo sư Hoàng Chương, mời các nhà khoa học hợp tác với các bộ, ngành Trung ương, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, tỉnh Bình Định lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Đào Tấn là danh nhân văn hóa thế giới.
Sắp đến, UBND tỉnh sẽ tổ chức lễ khởi công xây dựng Đền thờ Đào Tấn trên quê hương Vinh Thạnh của ông. Đây sẽ là nơi nhân dân và du khách gần xa đến tưởng niệm, kính ngưỡng, tôn vinh xứng đáng sự nghiệp, công lao, đóng góp của ông đối với nền văn hóa dân tộc. Công trình do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng khoảng 10 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh và địa phương.
HOÀI THU (lược ghi)