Chuyện về 2 người tử tế
Văn hóa trọng tình, đồng cảm và sẻ chia với khó khăn của người khác vẫn luôn là một dòng chảy mạnh mẽ, bền bỉ trong cuộc sống hiện đại đầy biến động, phức tạp. Đây đó trong lòng thành phố ven biển này, có những con người bình dị, nhỏ bé ngày ngày gắn bó với việc làm đầy tử tế, nhân văn.
Khác nhau về hoàn cảnh nhưng cả hai con người trong câu chuyện dưới đây đều là những tấm gương đáng trân trọng với những việc làm giàu ý nghĩa.
“Bà Bảy ve chai”
Năm nay, bà Nguyễn Thị Bảy (ở số nhà 64 Bùi Thị Xuân, thuộc tổ 3, khu vực 1, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) tròn 80 tuổi. Con gái bà, cô Hoàng Thị Lê cũng đã bước sang tuổi 60. Nhưng, hơn 3 năm nay, mẹ con bà vẫn đều đặn, cần mẫn với thói quen đặc biệt là đi nhặt, xin vỏ chai, lon, giấy báo cũ để dành bán lấy tiền làm từ thiện.
Bà Nguyễn Thị Bảy (trái) và con gái Hoàng Thị Lê phân loại số ve chai xin được để bán lấy tiền làm từ thiện.
Nhận thấy nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, muốn chia sẻ và động viên họ nhưng đồng lương hưu chỉ đủ vun vén cho gia đình, bà Bảy bàn với con gái thu nhặt ve chai để gây quỹ. Ba năm trước, câu chuyện người phụ nữ có vẻ ngoài sang trọng đi nhặt ve chai làm nhiều người thấy ái ngại, hoài nghi. “Nhiều người bảo: nếu thấy áy náy, bà cho người ta vài ba chục là xong, việc gì phải làm vậy cho cực. Không ít bạn bè thân quen ngỏ ý góp cho tôi tiền mặt khi tôi đến xin vỏ lon, chai nhựa, sách báo không dùng nữa. Nhưng tôi chẳng nhận tiền của ai. Mẹ con tôi muốn làm từ thiện bằng chính sức lao động của mình. Có vậy, chúng tôi mới thấy thoải mái, thanh thản”, bà Bảy kể.
Cứ thế, năm tháng trôi qua, hành động đẹp của mẹ con bà được mọi người ghi nhớ, trân trọng. Bây giờ, nhiều gia đình, nhiều quán cà phê, nhà may chủ động để dành ve chai cho mẹ con bà. “Vài tuần, lại có người gọi điện thoại cho tôi thông báo đã để dành được một lượng ve chai lớn cho tôi đến chở. Có nhiều khi, chở mẹ đi khám bệnh về, tôi thấy một túi ve chai được đặt vào trong cổng nhà mình. Điều đó giúp chúng tôi tin rằng: việc làm của mình là đúng đắn và nó đã lan tỏa trong cộng đồng”, bà Lê tâm sự.
Bình quân mỗi tháng, mẹ con bà Bảy thu được 300 - 400 ngàn đồng từ tiền bán ve chai. Số tiền này được bà ủng hộ toàn bộ cho những trường hợp ngặt nghèo trên chuyên mục Nhịp cầu nhân ái của báo Bình Định, hộ có khó khăn đột xuất trên địa bàn phường, góp vào nhóm cháo tình thương của chùa Xá Vệ hoặc quyên góp cho các quỹ của Hội đoàn thể tại phường. Từ tháng 7.2013 đến nay, tổng số tiền từ thiện của mẹ con bà Bảy hơn 17,5 triệu đồng.
Tuổi cao sức yếu, lại mang bệnh ung thư trong người, cũng vài lần, bà Bảy nghĩ đến chuyện “nghỉ hưu” trong hoạt động từ thiện; nhưng rồi mỗi lần biết đến một hoàn cảnh khó khăn, bà lại giục con gái lên đường. Bà Lê nhớ lại: “Nhiều bữa mẹ đau, ê nhức, ăn không nổi nửa chén cơm. Vậy mà nghe tin có người ủng hộ ve chai, bà mừng đến mức có thể ăn thêm được nửa chén nữa. Mẹ thường bảo tôi: người ta cho tiền cũng không quý bằng việc người ta dành dụm từng chai nhựa, giấy cũ để giúp đỡ, đồng hành cùng mình”.
Nhiều năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Bảy liên tục được cấp phường ghi nhận là gia đình mẫu mực tiêu biểu, gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Đặc biệt, trong 3 năm 2010 - 2013, bà Bảy được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Quy Nhơn tặng Giấy khen về thành tích “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Chị Ngọc nhiệt tâm
Nói về những người lao động nhiệt tình và nhân ái trên địa bàn mình, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội CTĐ phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) nhắc ngay đến chị Ngô Thị Thanh Ngọc (47 tuổi, ở khu vực 3). Ba năm liền, không cần vận động, nhắc nhở, người phụ nữ này vẫn đều đặn ủng hộ 100 ngàn đồng/tháng cho quỹ từ thiện của phường, tích cực tham gia vào các nhóm cháo, nhóm cơm chay từ thiện ở các chùa.
Chị Ngọc mưu sinh bằng nghề bán đồ ăn vặt cho học trò, sinh viên. Với số tiền lời ít ỏi, chị chắt chiu chăm lo cho mẹ già, người chồng đau ốm và 2 đứa con. Thỉnh thoảng, chị gói ghém chút ít gửi cho người em ruột có con bị bệnh ung thư. Không chỉ thế, chị còn trích ra một khoản nho nhỏ để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Nhiều lần bị mẹ chồng phản đối vì muốn con dâu tập trung mọi khoản thu lo cho chồng con, rồi mẹ ruột không đồng tình vì muốn con gái giúp đỡ đứa cháu bị bệnh tật nhiều hơn, nhưng chị Ngọc vẫn cương quyết làm từ thiện. Chị bảo: “Nhìn lên thì mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì còn nhiều người khổ hơn mình gấp mấy lần. Vậy nên giúp được ai thì mình ráng giúp”.
Không chỉ giúp người bằng tiền mặt, chị Ngọc còn là một trong số ít phụ nữ trung niên thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện. Quý sự nhiệt tâm của chị Ngọc, năm nào, Hội CTĐ phường cũng trao giấy ghi nhận “Tấm lòng vàng” cho chị. Trước sự ghi nhận đó, chị luôn lắc đầu khiêm tốn: “Việc tôi làm được còn nhỏ lắm, chưa xứng đáng với 3 chữ Tấm lòng vàng đâu”. Và vì luôn cho rằng việc mình làm được là bình thường, không đáng kể, chị từ chối được chụp hình và “lên báo”.
***
Đây là hai trong số những con người bình dị luôn biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực. Không chăm chăm vun vén cho bản thân, gia đình của riêng mình, họ mở lòng và đồng cảm với nỗi đau của nhiều người. Những việc làm của họ chưa thật lớn về vật chất nhưng lớn trong cách nghĩ, cách làm.
NGUYỄN MUỘI