Chim phóng sinh
Tôi có anh bạn làm nghề bẫy chim. Gọi là nghề nhưng thực ra đây chỉ là công việc lúc nông nhàn. Ngày còn ở quê, hôm nào muốn mồi nhậu chỉ cần nói anh một tiếng là sau đó có mấy chục chim sẻ nướng than chấm muối ớt. Thật là món ngon đồng quê.
Từ việc bắt chim để nhậu vui hoặc đem bán quán nhậu, do nhu cầu thị trường, gần đây anh bạn tôi hành nghề có vẻ chuyên nghiệp. Sản phẩm thu hoạch được chủ yếu bán ra thành phố để người ta mua phóng sinh. Có lần tôi gặp anh ở chợ chim với chiếc lồng to nhốt đến hàng trăm con chim sẻ. Anh cười bảo: “Bắt chim bây giờ hiện đại rồi. Bây giờ không ai dùng lưới để bẫy chim, mà áp dụng “công nghệ” hiệu quả hơn là dùng bẫy bằng... keo”.
Với phương pháp bắt chim hiện đại, bình quân mỗi ngày anh bạn tôi có thể bẫy được hơn 50 con chim sẻ (với giá bán khoảng năm, bảy ngàn đồng/con, tính sơ sơ mỗi ngày anh có thể thu về vài trăm ngàn đồng).
Chuyện bắt chim của anh bạn tôi không có gì lạ, nếu không nói đến đầu mối tiêu thụ ở các cổng chùa vào dịp Rằm tháng Bảy. Đây là lễ Vu Lan, mùa báo hiếu (theo quan niệm đạo Phật), nhiều người đi lễ chùa và mua chim để phóng sinh làm phước. Nhìn những chú chim sẻ nho nhỏ được người ta mua và đem thả lại trời xanh lòng tôi thấy vui vui, vì từ nay nó được tự do bay lượn. Nhưng chợt nghĩ: Chắc gì những chú chim bé bỏng kia được tự do, vì anh bạn của tôi với cách bẫy chim khá hiệu quả vẫn chờ đâu đó. Và, có lẽ lời của một nhà sư trong chùa rất đúng trong trường hợp này: “Phóng sinh cho muôn vật là việc làm tốt, nhưng tôi khuyên mọi người đừng tìm mua chim rồi đem thả, vì làm như thế là nguyên nhân của việc người ta tìm bắt chim để bán và tận diệt loài chim”. Cuộc sống sẽ đơn điệu biết bao nếu trên bầu trời vắng bóng những cánh chim…
TRÚC THANH