Những kỷ niệm sâu sắc với Tiếng nói Việt Nam
“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Lời xướng đó đã trở nên rất đỗi thân thương với hàng triệu thính giả trong cả nước suốt 70 năm qua. Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời và lớn mạnh gắn liền với hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, với quá trình đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.
Ông Phạm Bá Lữ, một cán bộ hưu trí năm nay 76 tuổi đang sống tại Quận 1, đã có trên 50 năm nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước đây, trong suốt những năm học tập, làm việc ở miền Bắc, chiếc đài đã cung cấp cho ông tin tức về cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của hậu phương lớn miền Bắc, cũng như sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Cuối năm 1965, ông Lữ cùng đồng đội trở về Nam chiến đấu. Chiếc đài đơn vị ông được trang bị trước lúc lên đường trở thành người bạn, là vật bất ly thân cung cấp thông tin, những câu chuyện, chương trình văn nghệ… động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ ra trận.
Ông Phạm Bá Lữ còn nhớ như in, bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy chính là mệnh lệnh để quân và dân ta tiến hành tổng tiến công và nổi dậy: “Thông qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam vào Tết Mậu Thân thì cái Thư Chúc Tết năm đó của Bác Hồ là mệnh lệnh đối với chúng tôi. Những cán bộ, chiến sỹ và đồng bào toàn miền Nam quyết tâm xông lên để thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Bị thương, bị bắt làm tù binh và bị đày ra Phú Quốc, nhưng cơ sở của ta đã lén chuyển vào trong nhà tù cho ông Phạm Bá Lữ và đồng đội một chiếc đài nhỏ. Thế là, trong hoàn cảnh bị tù đày, bị kẻ thù lùng sục gắt gao, nhưng những tù binh Phú Quốc vẫn nghe được tiếng Đài, tiếng Đảng, tiếng Bác, tiếng Nhân dân nên càng giữ vững khí tiết chiến đấu.
Bà Phan Thu Hương, hiện sống tại Quận 3 thì nhớ lại 12 ngày đêm cuối năm 1972, gia đình bà cùng quân và dân Hà Nội chiến đấu chống lại trận tập kích chiến lược bằng B52 của giặc Mỹ. Khi đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng tin về các đợt máy bay Mỹ bay vào vùng trời Hà Nội. Thông tin đó như các mệnh lệnh chỉ huy, góp phần để quân và dân Thủ đô làm nên chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không: “12 giờ trưa, chúng tôi nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo là máy bay địch đang bay vào Hà Nội. Đồng bào chú ý xuống hầm. Lúc đó còi báo động hú lên, thì chúng tôi những người còn lại trong khu nhà đó đi xuống căn hầm chìm. Sau đó thì còi báo yên. Chưa xong thì chúng tôi nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo trở lại là: Đồng bào chú ý xuống hầm. Máy bay địch đang bay vào Hà Nội và còi báo động lại tiếp tục hú lên…”.
Còn với thầy giáo Phạm Thế Tài ở Trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn, Quận 1 thì chiếc đài gắn bó từ sáng sớm đến tận khuya. Cứ 5 giờ sáng thức dậy, thầy giáo Tài bật đài và nghe đến 6 rưỡi thì đến trường. Trước khi đi ngủ, thầy giáo lại nghe chương trình Thời sự đêm của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thầy Tài rất thích nghe các chương trình thời sự, khoa học giáo dục của Đài, đặc biệt là các thông tin về tình hình Biển Đông hiện nay. Mới đây, khi nghe đài biết đồng bào miền Bắc, trong đó có bà con tại Quảng Ninh bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, thầy Tài đã ủng hộ số tiền 1 triệu đồng. Thầy Tài bộc bạch chân thành: “Tôi là một giáo viên hay nghe đài VOV để nắm được tình hình thời sự của Việt Nam và quốc tế. Năm nay tôi thấy tình hình lũ lụt ngoài miền Bắc quá thiệt hại. Với truyền thống của người Việt Nam mình là “lá lành đùm lá rách” thì tôi cũng muốn đóng góp một chút ít để giúp đồng bào miền Bắc trang trải vượt qua cơn khó khăn này”.
Với ông Lê Văn Sơn, ở quận Thủ Đức, thường xuyên phải di chuyển trên các tuyến đường, ông tâm đắc nhất là các chương trình của Kênh VOV Giao thông quốc gia. Chỉ với chiếc điện thoại trong túi, gắn chiếc tai nghe là những chương trình cần thiết và yêu thích như: Giờ cao điểm, Chuyến xe vui vẻ, Bánh xe đồng vọng, Nào cùng xuống phố, Đường tin… theo ông suốt hành trình. Ông Sơn nhận xét, các chương trình của Kênh VOV Giao thông có nhiều đổi mới, gần gũi đời sống người dân và hỗ trợ rất tốt cho những người phải thường xuyên di chuyển trên đường. Để đóng góp cho Kênh, khi gặp kẹt xe hay tai nạn giao thông, ông luôn chủ động thông tin tương tác với đài: “Tôi biết chương trình VOV Giao thông cũng được 4-5 năm rồi. Nói chung chương trình ra đời rất sát với cuộc sống văn minh đô thị. Giúp cho người dân thành phố khi mà ra đường là mình có thể biết được tình hình giao thông để hạn chế vấn đề ùn tắc”.
Tình cảm dành cho Tiếng nói Việt Nam của chị Trần Thị Thanh Thuyết ở quận Gò Vấp được thể hiện bằng chính công việc phát thanh viên. Trên 20 năm gắn bó với làn sóng VOV, chị vui vẻ cho biết: công việc phát thanh viên đã “ăn vào máu” của mình từ lúc nào: “Khi mà tôi bước chân vào phòng thu thì tôi cảm nhận thấy một sự gần gũi thân thương giữa mình với những người nghe đài xung quanh. Qua làn sóng của VOV, làm sao tôi cố truyền tải cho được hết thông tin để cho bà con nắm bắt thật rõ, thật am hiểu để cho cuộc sống được nâng cao và tiến bộ - Đó là niềm vui rất lớn đối với người làm phát thanh viên như tôi”.
Không thể kể hết được những tình cảm, những kỷ niệm sâu sắc của hàng triệu thính giả với làn sóng Tiếng nói Việt Nam. 70 năm vẻ vang và hào hùng đồng hành cùng lịch sử đất nước, Đài Tiếng nói Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện, cung cấp thông tin nhanh nhất, đầy đủ và đa dạng nhất tới khán thính giả, độc giả trên cả nước.
Theo Huy Sơn (VOV)