Một đời đi theo chạm khắc
Với đôi tay thô ráp của một nông dân chính hiệu, ông Dư Ngâu (tên thật là Nguyễn Quang Tiên, ở thôn Chánh Khoan Ðông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ) lại thổi vào những tác phẩm điêu khắc một cõi hồn riêng…
Người nông dân ấy chưa từng học qua trường lớp chuyên nghiệp nào. Chỉ nhờ năng khiếu bẩm sinh, cộng với đam mê học hỏi qua hình ảnh, báo chí, sách vở, mà thành thợ điêu khắc. Năm 18 tuổi, ông Dư Ngâu chính thức bước vào nghề với tác phẩm đầu tay là tượng Phật tại chùa Long Hoa (thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) được nhiều người ngợi khen.
Đôi tay tài hoa ấy đã làm bừng sáng trên từng tác phẩm chạm khắc của mình, từ kỳ lân, sư tử, rồng bay, phượng múa đến hòn non bộ, cảnh hoa thiên nhiên, non nước núi đồi. Từ xi măng với các vật liệu đá cục, gốc gỗ... qua bàn tay ông đều thành những tác phẩm bắt mắt, dung dị, mềm mại uyển chuyển. Mỗi tác phẩm nghệ thuật như một phần tình cảm ông chắt chiu từ cuộc sống.
Gần như ai cũng ngạc nhiên trong lần đầu bước vào vườn nhà ông. Khu vườn như một khu sinh thái hài hòa mà điểm nhấn là những bức tượng rồng uốn lượn chạm bằng xi măng. Ông Dư Ngâu đã được mời đi thực hiện nhiều tác phẩm ở nhiều nơi. Ở chùa Tịnh Quang (thị trấn Phù Mỹ), ông đã làm nhiều tác phẩm như tượng Phật bà Quan thế âm, hòn non bộ, tượng kỳ lân, phù điêu các loại... “Tác phẩm do ông Dư Ngâu thực hiện rất kỳ công, có nhiều sáng tạo trong thể hiện về sự hoài cổ. Vẻ đẹp của tượng bền vững theo thời gian khiến nhiều người đến vãn cảnh chùa đều trầm trồ”, ông Nguyễn Văn Hoan, một phật tử của chùa Tịnh Quang cho biết.
Ông Dư Ngâu đã và đang thực hiện hàng chục sản phẩm chạm khắc, trang trí như kỳ lân, hòn non bộ, khắc chữ hoa... cho chùa An Tịnh và nhà thờ họ Nguyễn (xã Mỹ Lợi). “Họ tộc chúng tôi tin tưởng tài năng của ông Dư Ngâu. Những thứ ông chạm khắc đều mang nét hài hòa đến từng chi tiết; từng khối, hình, gam màu đều toát lên ý nghĩa sâu sắc của hình tượng”, thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, một thành viên của tộc họ Nguyễn nhận xét.
Năm nay 62 tuổi, ông Dư Ngâu đã có 44 năm làm nghề. Từng ấy năm vui buồn bên những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc, ông có biết bao nỗi niềm. “Để có những thành quả tâm đắc nhất, tôi phải thật sự đi sâu vào tìm hiểu thực tế xóm làng, lắng nghe ý kiến của mọi người. Từ đó, mới tạo ra những tác phẩm đi vào lòng người”, ông Dư Ngâu tâm sự.
LÊ KIỂU